Hướng dẫn giải Nhiệm vụ 3 Bài 8. Thực hành: Viết báo cáo về dân số – lao động và việc làm – đô thị hóa – SGK Địa lí lớp 12 Cánh diều. Tham khảo: Phân tích thông tin từ các nguồn trong SGK Địa lí 12, trang 40 và liên hệ thực tiễn.
Câu hỏi/Đề bài:
Nhiệm vụ 3 trang 40 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Thu thập thông tin và viết báo cáo về Đô thị hoá: Ảnh hưởng của đô thị hoá đến cơ cấu lao động hoặc môi trường ở địa phương.
Hướng dẫn:
Phân tích thông tin từ các nguồn trong SGK Địa lí 12, trang 40 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải:
VD: Hà Nội
Gợi ý:
Ảnh hưởng của đô thị hóa tới ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội
1. Nguyên nhân
Hoạt động sản xuất công nghiệp được coi là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội. Kết quả điều tra 400 cơ sở công nghiệp thì có tới gần 200 cơ sở có tiềm năng thải các chất thải gây ô nhiễm không khí, trong đó chủ yếu là các cơ sở công nghiệp cũ với công nghệ lạc hậu và hầu như chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại. Trước đây, các cơ sở này nằm ở ngoại thành hay ven nội, thì nay đã nằm ngay trong nội thành, giữa các khu dân cư đông đúc (do quá trình mở rộng ranh giới đô thị).
Các hoạt động giao thông vận tải cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là sự tăng lên nhanh chóng số lượng phương tiện cùng với quá trình đô thị hóa (phát triển kinh tế và mở rộng quy mô dân số, làm tăng nhu cầu đi lại). Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, đến tháng 11-2023, thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó có 1,2 triệu xe ô tô, 0,2 triệu xe điện và 6,7 triệu xe máy. Trong giai đoạn từ năm 2019 – 2022 tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông bình quân trên 10%/năm đối với xe ô tô và 3% đối với xe máy, ngoài ra giao thông Thủ đô còn có sự tham gia của hàng triệu phương tiện đến từ các tỉnh, thành khác. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
Đô thị hóa diễn ra mạnh với các hoạt động xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo nhà ở; mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Hà Nội luôn có trên 1.000 công trình xây dựng lớn nhỏ được thi công; mỗi tháng có khoảng 10.000 m2 đường bị đào bới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các hoạt động xây dựng này thường xuyên phát tán bụi vào môi trường, khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, hoạt động sinh hoạt của nhân dân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí đun nấu bằng than, dầu, đặc biệt là than tổ ong, ước tính góp vào khoảng 10% chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội.
2. Hiện trạng môi trường không khí
Ô nhiễm bụi: Hà Nội bị ô nhiễm bụi tới mức báo động. Tại khu vực nội thành, chất lượng môi trường không khí có biểu hiện suy thoái. Nồng độ bụi tăng rõ rệt và đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, tại các nút giao thông, nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2-2,5 lần. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại các khu, cụm công nghiệp cũng cho thấy: Nồng độ bụi lơ lửng tại hầu hết các khu vực đều có xu hướng gia tăng liên tục, vượt quá chỉ tiêu cho phép 2,5-4,5 lần.
Ô nhiễm khí độc hại SO2, CO, NO2: Theo số liệu của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, nồng độ khí SO2, NO2, CO trong các khu dân cư đô thị ở nội và ngoại thành đều nhỏ hơn tiêu chuẩn, tức là chưa có hiện tượng ô nhiễm khí độc hại. Tuy nhiên, ở một số nút giao thông lớn trong thành phố như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Ngã tư Kim Liên… nồng độ CO đang có xu hướng tăng và ở mức xấp xỉ giới hạn cho phép.
Ô nhiễm tiếng ồn: Trong thời gian gần đây, tiếng ồn giao thông ở Hà Nội có xu hướng tăng do sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện vận tải. Mặc dù thành phố đã có một số biện pháp bố trí phân luồng giao thông, cải tạo và nâng cấp một số tuyến đường, cấm hoạt động các loại xe lam, xe công nông là những phương tiện gây tiếng ồn lớn nhưng tiếng ồn giao thông vẫn chưa có xu hướng giảm.
3. Giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm
Cần quy hoạch các khu, cụm công nghiệp gắn liền với quy hoạch phát triển của thành phố.
Đẩy mạnh xây dựng và ban hành áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải – một công cụ kinh tế buộc các đối tượng gây ô nhiễm phải giảm thiểu các nguồn thải ra môi trường.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở sản xuất áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ISO 14000.
Tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng môi trường không khí đối với sức khoẻ và chất lượng sống; công khai các thông tin, số liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm không khí và các nguồn gây ô nhiễm không khí trên các phương tiện truyền thông để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường không khí.
Ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, không gây ô nhiễm.
Hoàn thiện và phát triển mạng lưới đường bộ, đảm bảo giao thông an toàn, thuận tiện, không ách tắc và ít gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến phát thải của các phương tiện giao thông. Tăng diện tích cây xanh ở nội và ngoại thành để giảm thiểu ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong thành phố.
Tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng sử dụng các nhiên liệu sạch trong sinh hoạt thay cho sử dụng dầu, than, củi… Đồng thời, nâng cấp chất lượng đường giao thông đô thị tại các khu dân cư, thành lập các đội vệ sinh đường phố…