Trả lời Nhiệm vụ 1 Bài 8. Thực hành: Viết báo cáo về dân số – lao động và việc làm – đô thị hóa – SGK Địa lí lớp 12 Cánh diều. Gợi ý: Phân tích thông tin từ các nguồn trong SGK Địa lí 12, trang 40 và liên hệ thực tiễn.
Câu hỏi/Đề bài:
Nhiệm vụ 1 trang 40 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Thu thập thông tin và viết báo cáo về Dân cư: Mất cân bằng giới tính khi sinh.
Hướng dẫn:
Phân tích thông tin từ các nguồn trong SGK Địa lí 12, trang 40 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải:
Gợi ý:
1. Khái niệm và hiện trạng
Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái, tương đương 2 năm trước đó. Cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi cao hơn mức trung bình cả nước.
Một số địa phương có tỷ số này cao như Sơn La (117), Nghệ An (116,6), Hà Nội (112)… Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ có tỷ số dưới 108.
2. Một số nguyên nhân
Nhóm nguyên nhân cơ bản |
Nhóm nguyên nhân phụ trợ |
Những nguyên nhân trực tiếp |
Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu trong tâm thức nhiều người: – Coi con trai là người nối dõi tông đường, gia phả dòng họ ở nhiều nơi chỉ có tên con trai, tập quán con trai thờ cúng tổ tiên, cha mẹ. – Coi con trai làm chỗ dựa cho bố mẹ khi về già, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, coi con gái sau khi kết hôn về nhà chồng là “con người ta”… |
– Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 – 2 con nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. – Do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. – Do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo. |
Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như: – Áp dụng ngay từ trước lúc có thai, trong lúc thụ thai. – Khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính, nếu là thai trai thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi …. |
3. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số và kéo theo đó là những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn.
Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới: Nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, gia tăng sự bất bình đẳng giới về mọi mặt chính trị, kinh tế xã hội và gia đình, tình trạng bạo hành giới, bất bình đẳng giới, các tệ nạn xã hội gia tăng như: Mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia. Vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa.
Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động, hệ lụy lâu dài, có khi từ đời này sang đời khác nếu không có giải pháp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ thì thế hệ tương lai sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
4. Giải pháp
Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chúng ta cần phải:
– Chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số – Sức khỏe sinh sản, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
– Giải quyết tất cả các hình thức phân biệt đối xử về giới, bao gồm các vấn đề liên quan đến đăng ký đất đai, bạo lực giới, hôn nhân và lựa chọn sinh sản, và thừa kế.
– Ban hành các chính sách liên quan đến mức sinh một cách linh hoạt, phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), theo đó các cá nhân và các cặp vợ chồng có thể lựa chọn một cách tự do và có trách nhiệm về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.
– Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá nhằm đánh giá các can thiệp về tỉ số giới tính khi sinh và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
– Phổ biến rộng rãi các phát hiện trong báo cáo chuyên khảo Tổng điều tra về tỉ số giới tính khi sinh nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Nguồn tham khảo:
– Tổng cục Thống kê: https://www.gso.gov.vn
– Niên giám thống kê Việt Nam năm 2021: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/08/nien-giam-thong-ke-2021
– Quỹ Dân số Liên hợp quốc: https://vietnam.unfpa.org/vi