Trả lời Câu hỏi Vận dụng trang 57 SGK Địa lí 12, Cánh diều – Bài 10. Vấn đề phát triển nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản. Tham khảo: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 57.
Câu hỏi/Đề bài:
Thu thập tài liệu, viết báo cáo ngắn về một sản phẩm nông nghiệp (cây trồng, vật nuôi) hoặc hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương em.
Hướng dẫn:
Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 57.
Lời giải:
VD: Nuôi trồng thủy sản ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
* Gợi ý:
1. Thế mạnh và hạn chế
Hậu Lộc là một huyện ven biển thuộc đồng bằng Thanh Hóa, nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn, những trung tâm hỗ trợ đầu tư kĩ thuật, kinh nghiệm quản lí và chuyển giao khoa học công nghệ.
Hậu Lộc là một huyện ven biển thuộc đồng bằng Thanh Hóa, được bồi tụ phù sa màu mỡ bởi hệ thống sông Mã nên địa hình nhìn chung bằng phẳng, màu mỡ. Đây là huyện có lợi thế trong nuôi trồng thủy sản ở cả 3 vùng nước ngọt, nước mặn, nước lợ với nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, bên cạnh đó còn có tiềm năng lớn về nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, hệ thống sông ngòi và luồng lạch, cửa sông khá dày đặc vùng tạo ra mạng lưới giao thông đường thủy thuận tiện, đồng thời các cửa sông còn là nơi chuyển lưu một khối lượng phù sa, mùn bã hữu cơ giàu dinh dưỡng là nguồn thức ăn tốt cho các loài hải sản.
Bên cạnh đó, khí hậu của huyện có các chỉ số cao về độ ẩm, ánh sáng và có ít sự phân hóa theo lãnh thổ, là điều kiện rất thích hợp cho nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, nuôi trồng thủy sản được chú trọng phát triển, đầu tư về vật chất kĩ thuật cũng như hậu cần dịch vụ, hứa hẹn là ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện.
Bên cạnh những lợi thế trên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện còn gặp nhiều khó khăn lớn như sau:
Xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, các yếu tố thu hút nguồn lực từ bên ngoài không nhiều, khả năng tạo nguồn vốn nội bộ còn hẹp. Một số dự án nuôi trồng thủy sản đã triển khai nhưng thiếu vốn, nhất là việc huy động vốn tín dụng và vốn tự có của dân thấp nên tiến độ thực hiện các dự án chậm. Nông – ngư dân thiếu vốn để đầu tư cải tạo ao, đầm, xây dựng các công trình nuôi trồng, các cơ sở giống, vật tư. Trong khi đó, vốn đầu tư cho nuôi trồng thủy sản lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp.
Về cơ sở vật chất kĩ thuật, mặc dù gần đây đã được quan tâm nhưng tốc độ đầu tư, cải tạo còn chậm so với yêu cầu, chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai với những bất thường của thời tiết và khí hậu, giá cả thị trường không ổn định đã ảnh hưởng lớn tới tâm lí của người sản xuất và sự phát triển của các đối tượng nuôi trồng.
2. Hiện trạng
Nuôi trồng thủy sản góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của huyện Hậu Lộc. Từ năm 2010 đến nay, giá trị sản xuất ngành nuôi trồng thủy sản huyện Hậu Lộc liên tục gia tăng, năm 2010 chỉ đạt 61 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt 321 tỷ đồng.
Trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành thủy sản, tỉ trọng ngành nuôi trồng thủy sản chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng có xu hướng tăng khá nhanh trong giai đoạn 2010 – 2019. Nếu như năm 2010, ngành nuôi trồng thủy sản chỉ chiếm 9,65% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành thủy sản thì đến năm 2019, ngành nuôi trồng thủy sản đã chiếm 15,23%.
Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng liên tục qua các năm. Năm 2015 diện tích cho nuôi trồng thủy sản là 1694,8 ha và tăng lên 1979,9 ha vào năm 2019. Trong đó, diện tích nước mặn chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt khoảng 37,5%, tiếp đến là nước ngọt với 37% và nước lợ đạt 25,5%. Trong giai đoạn 2015 – 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn huyện có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 2%/năm. Trong đó chủ yếu là diện tích trũng sau đó là diện tích ao hồ nhỏ và cuối cùng là diện tích mặt nước lớn.
Cùng với sự mở rộng của diện tích thì sản lượng nuôi trồng thủy sản cũng ngày một tăng lên qua các năm, tuy nhiên tốc độ tăng còn khá chậm. Năm 2010, sản lượng nuôi trồng thủy sản là 11957 tấn, trong đó, nuôi nước mặn là 10200 tấn, chiếm tới 85% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của toàn huyện; nuôi nước ngọt là 1185 tấn, chiếm 10% và nuôi nước lợ là 572 tấn, chiếm 5%. Đến năm 2019, tổng sản lượng đạt 12600 tấn.
Năng suất nuôi trồng thủy sản khá cao, năm 2010 năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, năm 2019 giảm còn 6,3 tấn/ha và hiện nay ổn định ở mức trên 7 tấn/ha. Sở dĩ năng suất nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2010 – 2019 giảm là do những ảnh hưởng từ dịch bệnh, những bất thường diễn biến thời tiết thất thường và thiên tai.
Hình thức nuôi trồng thủy sản của huyện Hậu Lộc khá đa dạng và có sự phát triển tích cực trong những năm gần đây. Các hình thức nuôi trồng thủy sản đang có sự phát triển mạnh là hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, trang trại nuôi trồng thủy sản, kinh tế hộ vẫn có vai trò quan trọng và đóng góp cho sự phát triển của ngành.
Nhìn chung, ngành thủy sản huyện Hậu Lộc đã có những chuyển biến tích cực trong giai đoạn 2010 – 2019 và đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, cùng với đó, ngành vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục để phát triển tốt hơn nữa.