Trang chủ Lớp 12 Địa lí lớp 12 SGK Địa lí lớp 12 - Cánh diều Câu hỏi mục III trang 130 Địa lí 12, Cánh diều: Dựa...

Câu hỏi mục III trang 130 Địa lí 12, Cánh diều: Dựa vào thông tin và hình 22.2, hãy phân tích sự phát triển của các ngành kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ

Giải Câu hỏi mục III trang 130 SGK Địa lí 12, Cánh diều – Bài 22. Phát triển kinh tế biển ở duyên hải Nam Trung Bộ. Hướng dẫn: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 118 – 120.

Câu hỏi/Đề bài:

Dựa vào thông tin và hình 22.2, hãy phân tích sự phát triển của các ngành kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Hướng dẫn:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 118 – 120.

Lời giải:

*Khai thác tài nguyên sinh vật biển:

– Là ngành phát triển sớm và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, nổi bật nhất là khai thác hải sản. Giá trị sản xuất và sản lượng khai thác liên tục tăng lên.

+ Cá biển chiếm tỉ trọng lớn trong sản lượng hải sản khai thác.

+ Một số loài có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ, cá hồng, cá mú.

+ Các tỉnh có sản lượng khai thác lớn: Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận.

+ Một số hoạt động khác như chế biến và bảo quản hải sản đông lạnh, hải sản khô, nước mắm,… được phát triển ở hầu khắp các địa phương.

– Người dân đã đầu tư đội tàu công suất lớn với máy móc, thiết bị hiện đại có cả hệ thống giám sát, truy xuất nguồn gốc cùng cải tiến công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm.

→ Giúp khai thác tốt hơn nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường và có ý nghĩa trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa; góp phần thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

*Giao thông vận tải biển:

– Giữ vai trò quan trọng, tạo ra các quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế.

– Có nhiều cảng biển được xây dựng, các cảng biển quan trọng: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà,.. Trong tương lai, cảng Vân Phong (Khánh Hoà) sẽ là cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước.

– Khối lượng hàng hoá của giao thông vận tải biển rất lớn (khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1,3 triệu tấn, khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 666,8 triệu tấn.km – năm 2021).

– Hình thành các tuyến đường biển nội địa đến các vùng của nước ta, các tuyến đường biển quốc tế đến các quốc gia trong khu vực và thế giới.

*Du lịch biển đảo:

– Rất phát triển với nhiều hoạt động du lịch gắn với khai thác tài nguyên vùng biển đảo.

– Các sản phẩm nổi bật: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hoá biển, ẩm thực biển,…

– Lượng khách du lịch tăng lên khá nhanh, hằng năm du lịch biển đảo thu hút khoảng 11,4 % lượt khách quốc tế và khoảng 19,4% lượt khách nội địa so với cả nước.

– Doanh thu du lịch lữ hành chiếm khoảng 12,5 % của cả nước (năm 2021).

– Một số điểm, khu du lịch biển đảo nổi tiếng: Sơn Trà, Mỹ Khê (Đà Nẵng); Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Lý Sơn (Quảng Ngãi). Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hoà); Mũi Né (Bình Thuận)….

– Thành phố Đà Nẵng và Nha Trang là hai trung tâm du lịch biển đảo lớn.

*Khai thác khoáng sản biển:

– Nổi bật là muối với sản lượng đứng dầu cả nước và đã hình thành các cánh đồng muối nổi tiếng: Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Ninh Thuận)…

– Ngoài ra, một số khoáng sản khác: cát thuỷ tinh, ti-tan (ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định) và khí tự nhiên (ở Bình Thuận) được khai thác và bước đầu đạt hiệu quả.

– Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) là trung tâm chế biến dầu khí lớn của nước ta và có ý nghĩa rất quan trọng trong tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ khi tài nguyên khí tự nhiên ở vùng thềm lục địa Duyên hải Nam Trung Bộ được khai thác.