Trang chủ Lớp 12 Địa lí lớp 12 SGK Địa lí lớp 12 - Cánh diều (?) Câu hỏi Chủ đề 2 Bài 30. Thực hành Địa lí...

(?) Câu hỏi Chủ đề 2 Bài 30. Thực hành Địa lí lớp 12: Chủ đề 2 trang 167 Địa lí 12, Cánh diều Viết báo cáo giới thiệu địa lí địa phương về chủ đề

Hướng dẫn giải (?) Câu hỏi Chủ đề 2 Bài 30. Thực hành: Tìm hiểu địa lí địa phương – SGK Địa lí lớp 12 Cánh diều. Gợi ý: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 166 – 167 và liên hệ thực tiễn.

Câu hỏi/Đề bài:

Chủ đề 2 trang 167 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Viết báo cáo giới thiệu địa lí địa phương về chủ đề:

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

Hướng dẫn:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 166 – 167 và liên hệ thực tiễn.

Lời giải:

VD: Tỉnh Thanh Hóa

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tỉnh Thanh Hóa có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.

Địa hình và đất: Thanh Hóa có diện tích khoảng hơn 11000 km². Địa hình của Thanh Hóa rất phong phú, đa dạng, từ dãy núi đá vôi hoang sơ ở phía tây, đến các đồng bằng ven biển ở phía đông. Phía tây và tây bắc của Thanh Hóa là các dãy núi cao, đỉnh cao nhất ở Thanh Hóa là Pù Luông. Phía đông và đông bắc của Thanh Hóa có các đồng bằng ven biển, có độ cao trung bình chỉ từ 2-10m so với mực nước biển. Địa hình đa dạng là điều kiện để Thanh Hoá phát triển các ngành nông – lâm – ngư nghiệp toàn diện và cho phép chuyển dịch cơ cấu dễ dàng trong nội bộ từng ngành. Nhiều cảnh quan đẹp kết hợp giữa rừng – biển – đồng bằng là điều kiện để phát triển du lịch, dịch vụ. Độ cao chênh lệch giữa các vùng miền núi, trung du, đồng bằng với nhiều hệ thống sông suối, tạo ra tiềm năng thuỷ điện khá phong phú…

Khí hậu: Vị trí địa lí quy định Thanh Hóa thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình khoảng 23-25°C trong năm, thấp nhất vào tháng 12 và cao nhất vào tháng 7. Trên các vùng núi cao, nhiệt độ trung bình chỉ vào khoảng 17-19°C, trong khi đó, vùng đồng bằng và các địa phương ven biển có nhiệt độ cao hơn, đạt khoảng 26-27°C. Khí hậu Thanh Hóa có hai mùa chính là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 của năm sau, trong khi mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Lượng mưa lớn, nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào là các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông lâm ngư nghiệp. Với chế độ nhiệt ẩm như vậy, đồng thời do sự phân dị phức tạp về địa hình mà Thanh Hoá có nhiều vùng có chế độ vi khí hậu khác nhau, tạo điều kiện phát triển các cây trồng nhiệt đới và cả các cây trồng á nhiệt đới, tạo nên sự đa dạng của hệ thống cây trồng. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh vùng núi phía Bắc có mùa đông lạnh, khí hậu vùng núi Thanh Hoá cũng thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết đặc biệt như sương muối, sương giá vào mùa đông, bão, lụt, áp thấp nhiệt đới về mùa mưa và hạn hán về mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống con người. Các khu vực ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi gió mùa và gió bão.

Nguồn nước: Thanh Hoá có 5 hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Lạch Bạng và sông Chàng. Trong đó, sông Mã là con sông dài nhất và là đại lưu của tỉnh Thanh Hóa, chảy từ vùng núi phía Tây qua các huyện Bá Thước, Thạch Thành, Quan Hóa và đổ ra biển ở Vĩnh Lộc. Sông Mã mang lại nhiều lợi ích cho khu vực này, đó là một nguồn nước quý giá để tưới tiêu cho các cây trồng, cung cấp nước cho sản xuất điện, cũng như là nơi du lịch thu hút du khách đến với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài các sông tự nhiên, Thanh Hoá còn có một hệ thống các sông và kênh, mương nhân tạo. Thời phong kiến có hệ thống kênh đào nhà Lê. Thời hiện đại có hệ thống kênh của công trình thuỷ lợi đập Bái Thượng, các công trình thuỷ lợi Bắc sông Mã, Nam sông Mã, sông Quảng Châu,…Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi của Thanh Hóa đang gặp một số vấn đề môi trường như lũ lụt, sạt lở đất và ô nhiễm nước do chất thải công nghiệp và dân dụng. Việc bảo vệ và quản lý tài nguyên sông ngòi đang là vấn đề được chú trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho Thanh Hóa.

Rừng: Thanh Hoá có tài nguyên rừng phong phú. Diện tích đất có rừng là 532.460 ha, trữ lượng khoảng 16,64 triệu m3 gỗ, hàng năm có thể khai thác 50000 – 60000 m3. Rừng Thanh Hoá chủ yếu là rừng cây lá rộng, có hệ thực vật phong phú đa dạng về họ, loài; có các loại gỗ quý hiếm như: lát, pơ mu, sa mu, lim xanh, táu, sến, vàng tâm, dổi, de, chò chỉ. Các loại thuộc họ tre nứa gồm có: luồng, nứa, vầu, giang, tre. Ngoài ra, còn có mây, song, dược liệu, quế, cánh kiến đỏ … Các loại rừng trồng có luồng, thông nhựa, mỡ, bạch đàn, phi lao, quế, cao su. Trong rừng có nhiều loài động vật như: hươu, nai, hoẵng, vượn, khỉ, lợn rừng, các loài bò sát và các loài chim … Đặc biệt ở vùng Tây Nam của tỉnh có rừng quốc gia Bến En, vùng Tây Bắc có các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, là những khu rừng đặc dụng, nơi tồn trữ và bảo vệ các nguồn gien động, thực vật quí hiếm.

Khoáng sản: Khoáng sản ở Thanh Hóa chủ yếu là sắt (mỏ sắt Dinh Xá có trữ lượng lớn), các mỏ vật liệu xây dựng về cát (trữ lượng lớn trên sông Chu, sông Mã), đá vôi, đá xây dựng, đá ốp lát… trữ lượng khoảng 44.179.000m3, sét gạch ngói. Ngoài ra còn sét xi măng, đá phiến sét, bột két, vật liệu chịu lửa, các mỏ nước khoáng…

Tài nguyên biển: Đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa có nhiều vịnh và bãi biển đẹp như Vịnh Sầm Sơn, Biển Hải Tiến Thanh Hóa, Biển Tiên Trang Quảng Xương, Bãi biển Quảng Nham. Các vịnh, bãi biển tạo điều kiện để Thanh Hóa trở thành một địa điểm du lịch biển hấp dẫn. Thanh Hóa vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, với những bãi cá, bãi tôm có trữ lượng lớn. Dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, thuận lợi cho tàu thuyền đánh cá ra vào. Đây cũng là những trung tâm nghề cá của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ. Ở vùng cửa lạch là những bãi bồi bùn cát rộng hàng ngàn ha, thuận lợi cho nuôi trồng hải sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối. Vùng biển, ven biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như của đất nước, với sự ra đời của Khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng như: dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn công suất 1200MW…. Các hoạt động này đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của địa phương cũng như của quốc gia. Tuy nhiên, ngoài ra việc phát triển kinh tế biển, Thanh Hóa còn phải đối mặt với nhiều rủi ro và hiểm họa như: sự xâm nhập nước biển sâu vào đất liền, xói mòn, sạt lở và bồi tụ bờ biển, bão lũ, ô nhiễm môi trường…..