Trang chủ Lớp 11 Văn lớp 11 Văn mẫu 11 Kết nối tri thức Ví dụ minh họa Mẫu 1 Hướng dẫn cách viết văn bản...

Ví dụ minh họa Mẫu 1 Hướng dẫn cách viết văn bản nghị luận về một hiện tượng đời sống Văn mẫu 11 Kết nối tri thức: Đề Viết bài văn nghị luận về tác hại của mạng xã hội facebook Dàn ý chi tiết – Giới thiệu vấn đề

Giải Ví dụ minh họa Mẫu 1 Hướng dẫn cách viết văn bản nghị luận về một hiện tượng đời sống – Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về tác hại của mạng xã hội facebook

a.Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề: tác hại của mạng xã hội faceboook

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề

– Tác hại của mạng xã hội là những gì tiêu cực đem lại cho cuộc sống con người

b. Thực trạng/Dẫn chứng

– Nhiều người cuồng like, cuồng tương tác bất chấp đăng bài sai sự thật để câu view, câu like

– Báo lá cải đăng bài giật tít, dắt mũi dư luận

– Nhiều văn hóa phẩm không lành mạnh tràn lan trên mạng

– Nhiều người lợi dụng không gian mạng để lừa tình, lừa tiền…

c. Nguyên nhân

– Do sự phát triển mạnh mẽ của thông tin

– Do nhu cầu kết bạn của con người

– Do thị hiếu quần chúng muốn nắm bắt các thông tin hot của xã hội

– Facebook giúp con người có thể người ẩn danh, không phải tiếp xúc trực tiếp

– Vì mong muốn được nổi tiếng mà bất chấp

d. Hậu quả

– Giảm tương tác giữa người với người

– Gây ra hiện tượng sống ảo: nhiều người có những hành động lố lăng, kệch cỡm trên mạng

– Khiến nhiều người trở nên trầm cảm, thu mình không muốn cởi mở

– Giết chết sự sáng tạo

– Gây ra bạo lực trên mạng

c. Giải pháp

– Ý thức được cái tốt, cái xấu của mạng xã hội

-Chọn lọc các thông tin lành mạnh để thu nhận

e. Phản đề

– Ngoài cái tiêu cực thì mạng xã hội FB cũng có điểm tích cực: giúp con người giao lưu bạn bè quốc tế khắp mọi nơi mà không bị ngăn cách bởi khoảng cách địa lý, chứa nhiều thông tin bổ ích…

3. Kết bài

– Khẳng định lại sự tiêu cực của facebook

– Liên hệ bản thân

b.Bài tham khảo

Bài làm mẫu số 1

Facebook là một mạng xã hội thu hút hàng chục triệu người dùng trên thế giới, đặc biệt ở Việt Nam, số lượng người dùng khá lớn, hầu hết giới trẻ đều có cho mình một trang Facebook cá nhân. Vậy dùng Facebook có thật sự tốt và trang mạng này hữu ích như thế nào mà thu hút nhiều bạn trẻ sử dụng đến mức trở thành căn bệnh “nghiện Facebook”?

Thứ nhất, xét về những ưu điểm, chúng ta không thể phủ nhận rằng nó là một công cụ hữu hiệu để kết nối mọi người với nhau một cách nhanh chóng, dù ở đâu trên mọi miền đất nước, dù ở một quốc gia khác xa xôi, ta vẫn có thể dễ dàng liên hệ với nhau mà không mất quá nhiều chi phí hay thời gian. Mặt khác, mạng xã hội này giúp chúng ta phát triển kinh tế, nguồn thu nhập một cách khá hiệu quả khi có cơ hội để thử sức mình trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng, nơi tập trung hàng triệu người dùng tức là nơi đó có một thị trường tiêu thụ khá lớn. Facebook cũng hỗ trợ đắc lực trong việc thực hiện kết nối các thành viên hội/ nhóm, là nơi mọi người được bày tỏ, chia sẻ những quan điểm, cảm xúc, ý kiến của mình một cách tự nhiên, lành mạnh. Đồng thời đây cũng là nơi tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm, những nơi gặp thiên tai, khó khăn mang lại kết quả tích cực. Đối với các bạn trẻ, đó cũng là công cụ để học tập, chia sẻ những kinh nghiệm học, những bài giảng hay, những kiến thức chuyên sâu trong nhiều môn học để có thể tiếp thu và trau dồi kỹ năng cho bản thân. Đặc biệt, nó là nơi các bạn có dịp được thể hiện năng khiếu của mình cho cộng đồng mạng như ca hát, nhảy múa, khả năng ngoại ngữ, toán học,…, nơi để cập nhật những hoạt động của bản thân, lưu giữ những kỉ niệm của tuổi học trò, tuổi thanh xuân của mình.

Dùng Facebook ở mức độ nhất định sẽ mang lại hiệu quả tốt, tuy nhiên, ta cũng không khỏi quan ngại trước căn bệnh “nghiện” Facebook của các bạn trẻ hiện nay, bất cứ nơi đầu, từ nhà ga, bệnh viện, từ quán ăn, quán cà phê hay ở nhà, đều thấy người người cắm cúi vào chiếc điện thoại. Dường như cả thế giới chỉ gói gọn nơi đó. Mọi thời gian rảnh đa số đều dành cho facebook, đi ăn với gia đình cũng chăm chú vào điện thoại, đi chơi làm gì cũng chụp ảnh đăng face, nó như một thói quen, mà thói quen thì khó bỏ, cứ ăn sâu từ ngày này qua ngày khác. Thời gian dành cho mạng xã hội nhiều hơn cho gia đình, chỉ chăm chăm vào sống ảo, những comment vô bổ, thậm chí sống ảo câu like cũng thu hút nhiều bạn trẻ. Nhiều người dùng mạng xã hội như chiêu trò để “pờ-rồ” cho bản thân mình, thích nổi tiếng bằng những phát ngôn gây “sốc”, những hành động không giống ai. Một bộ phận xem đó là nơi để trút bỏ tức giận rồi tranh cãi, gây gổ nhau qua mạng dẫn đến những hậu quả nặng nề, nhiều bạn chỉ vì một xích mích nhỏ mà đánh nhau gây thương tích, truyền bá những thông tin không được kiểm chứng gây hỗn loạn trong tiếp nhận với nhiều ý kiến trái chiều,…. Tác hại của việc dùng Facebook là rất lớn. Tốn thời gian, suy giảm sức khỏe, gây ảnh hưởng đến thị giác và não bộ. Những “anh hùng bàn phím” ngày một tăng lên trong khi khả năng giao tiếp ngày một kém đi. Thế giới ảo khiến con người đảo điên, lâu dần trở nên lạnh lùng, vô cảm với thế giới thực tại, thật đáng buồn!

Ai cũng biết tác hại nhưng không phải ai cũng thừa nhận và tìm cách để triệt tiêu căn bệnh “nghiện Facebook” của mình. Cần có sự phối hợp, quan tâm giữa gia đình, xã hội và nhà trường để góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, mọi người cần dành thời gian cho nhau nhiều hơn, cùng nhau tổ chức các hoạt động trong đời sống để giao tiếp với nhau mỗi ngày, tránh thói vô cảm ở một bộ phận giới trẻ hiện nay. Đặc biệt mỗi cá nhân phải tự nhận thức được bản thân, xác định lí tưởng sống của mình là gì, cần phải phấn đấu như thế nào chứ không phải ngày ngày chỉ ôm khư khư chiếc điện thoại. Đó là phương tiện để phục vụ cuộc sống chứ không phải để nó điều khiển đời sống của bạn.

Facebook không đáng sợ, điều đáng sợ là chúng ta đang dần biến mình thành “mọt Facebook”, thay vào đó, hãy dành nhiều thời gian hơn cho mọi người xung quanh ta, cho những cuốn sách lý thú, những chuyến đi tươi đẹp. Bạn sẽ thấy thế giới ngoài kia có bao điều lớn lao, đẹp đẽ mà mãi mãi bạn chẳng bao giờ có được từ mạng xã hội kia đâu.

Bài làm mẫu số 2

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có thể nói rằng: Con người, đặc biệt là giới trẻ không thể sống mà thiếu mạng xã hội đặc biệt là Facebook”. Việc sử dụng mạng xã hội tuy có nhiều mặt tích cực phục vụ cho cuộc sống nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội cũng tác động tiêu cực không nhỏ đến cuộc sống giới trẻ.

Facebook như một cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng kỉ niệm của chúng ta và bạn bè. Đó cũng là trang mạng truyền tải những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống đến với mọi người. Thông qua Facebook, mọi người biết được người thân, bạn bè đang gặp khó khăn gì để hỏi thăm, giúp đỡ. Facebook còn là trang mạng nơi chúng ta học tập và tìm tòi những kiến thức mới.

Bên cạnh những lợi ích mà Facebook đem lại, việc dành thời gian quá nhiều cho Facebook có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và việc học hành của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ dùng Facebook như một nơi để trút giận, bất cứ chuyện gì bực mình ở đâu cũng đem lên Facebook cho mọi người bàn luận hay dùng Facebook để chửi người khác một cách công khai.

Facebook kết nối trên thế giới ảo nhưng lại làm xói mòn và ảnh hưởng đến cách con người giao tiếp, thể hiện tình cảm. Nhiều bạn trẻ mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, chỉ đắm chìm trong thế giới ảo mà thờ ơ, dửng dưng với mọi người, không muốn và không biết cách giao tiếp, chia sẻ với mọi người xung quanh, thậm chí mất niềm tin nơi cuộc đời thực, có khi dẫn đến mặc cảm trong cô đơn, trầm cảm, thu mình lại.

Nhiều ông bà, cha mẹ thấy cô đơn khi con cháu họ chỉ “ôm” điện thoại, laptop. Nhiều bạn sao nhãng việc học hành chỉ vì dành thời gian lướt Facebook, nhiều bạn quên cả việc đọc sách, bỏ bê bài vở, kết quả học tập sa sút. Nguyên nhân của việc giới trẻ sử dụng Facebook một cách rộng rãi có lẽ chính là do sự hấp dẫn, mới lạ, tính giải trí cao trong việc sử dụng Facebook.

Việc đăng lên một tấm ảnh hay một status rồi nhận được các lượt like và bình luận, hay việc chém gió với nhau hàng giờ trên Facebook khiến nhiều bạn trẻ mất quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Facebook dễ dàng gây nghiện đặc biệt với giới trẻ. Từ năm 2010 đến nay, Facebook tăng vọt về số người sử dụng và con số ấy không ngừng tăng lên. Ngày nay, bất cứ ở đâu và bất cứ thời gian nào, ta cũng có thể bắt gặp các bạn trẻ cắm đầu vào Facebook, trong giờ học, trong giờ ăn, trước khi đi ngủ và ngay cả khi đang đi vệ sinh.

Họ bỏ cả nửa thời gian mỗi ngày để làm những công việc vô ích như lướt Facebook xem bạn bè có đăng ảnh mới không, xem ai có status gì không hay xem các chuyện trong showbiz,…Và có những người nghiện Facebook đến nỗi mà làm bất cứ việc gì họ cũng đăng lên Facebook, đến mức ăn gì, uống gì, nghĩ gì, làm gì cũng đưa nó lên, thậm chí mua cái áo mới cũng đưa lên để mọi người chém gió, đi ngoài đường gió lạnh quá cũng dừng xe lại post cái status “lạnh quá”, thậm chí đang chạy thoát hiểm cũng vào Facebook post cái status đã.

Là những con người của thế giới hiện đại, chúng ta phải làm thế nào để công nghệ phục vụ chúng ta chứ đừng để công nghệ chi phối cuộc sống chúng ta. Phải biết phân bố thời gian hợp lý trong việc sử dụng Facebook. Làm thế nào để phân bố thời gian hợp lí giữa công việc, gia đình, bạn bè, giải trí,… và Facebook? Không nên quá lệ thuộc vào mạng xã hội, thế giới ảo.

Cần xây dựng mối quan hệ ở thế giới thực tại, không nên quá sa đà, mất thời gian quá nhiều vào đó. Bạn nên dành thời gian vào những việc có ích hơn. Làm thế nào để Facebook không trở thành ông chủ, và chúng ta không trở thành những nô lệ của mạng xã hội? Tuổi trẻ chúng ta nhạy bén tiếp thu những cái đó nhưng hãy là người thông minh để dùng những cái đó một cách hiệu quả chứ không là nạn nhân của mạng xã hội.

Thời gian của đời người thật ngắn ngủi, không nên tiêu phí thời gian vào những điều vô bổ, thậm chí có hại. Làm sao tìm lại được thời gian đã mất ? Phải biết quý trọng thời gian, phải biết sống sao cho thật ý nghĩa. Cuộc sống thực vô cùng rộng lớn và hấp dẫn với bao điều bí ẩn, diệu kì sao ta lại chỉ đắm chìm trong thế giới ảo? Thời gian của đời người thật ngắn ngủi sao ta lại tiêu phí thời gian vào những điều vô bổ, thậm chí có hại?

Bạn có bao gờ tự hỏi mình: làm sao tìm lại được thời gian đã mất? Hãy biết quý cuộc sống này trong từng phút giây, sống sao cho thật ý nghĩa vì chúng ta còn trẻ còn rất nhiều việc phải học, phải làm chứ không phải dành thời gian trên những trang mạng vô bổ.