Mỗi tác phẩm văn học ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của người nghệ sĩ….. Nội dung các em đang xem là một trong những bài viết thuộc “Phân tích nỗi buồn trong khổ đầu bài thơ Tràng Giang (tiếp)” trong Bài 2: Cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình – Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Mỗi tác phẩm văn học ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của người nghệ sĩ. Bởi đó là nơi để họ gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng chân thành nhất, mãnh liệt nhất về con người và cuộc đời. Dưới mỗi con chữ sáng tạo là biết bao xúc động, biết bao tình yêu cũng như nỗi đau đời trong tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút. Để rồi những tác phẩm đích thực ra đời từ những cảm xúc, những chân thành và khát khao sáng tạo mãnh liệt của người nghệ sĩ, chứ không phải một sản phẩm nhạt nhẽo, máy móc hay chỉ để thỏa mãn những thứ tầm thường. Nếu thơ không được viết bằng cảm xúc mãnh liệt, bằng tâm hồn nhạy cảm với sự vang vọng của cuộc đời, nó chỉ là những câu từ hoa mỹ nhưng vô hồn được ép khô trên trang giấy.
Huy Cận cũng vậy, ông đến với thơ những năm 40 của thế kỷ trước mang trong mình là những cảm xúc về cuộc đời và con người khiến tâm hồn của chàng thi sĩ ấy thấm thía một nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi. Và có lẽ “Tràng giang” chính là thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng 8. Cảm hứng về “Tràng giang” được thể hiện trong một không gian rộng lớn và trải dài trên một vùng bến bãi bờ sông. Đây là nguyên nhân khiến cả câu thơ, câu nào cũng dập dềnh sóng nước.
“Sóng gợn tràng giang, buồn điệp điệp”
Câu thơ ngắt thành hai vế theo nhịp ngắt 4/3 cổ điển. Vế đầu là hình ảnh tràng giang mênh mang trong sự tương phản với những gợn sóng nhẹ nhàng trải dài tít tắp, những gợn sóng nhẹ mà miên man, vô hồi, vô hạn. Từ “gợn” không chỉ gợi hình mà còn gợi tính – vừa là những gợn sóng nhỏ nhoi vô cùng giữa mênh mông tràng giang, vừa như gợi sự tĩnh lặng êm đềm của dòng sông đang lặng lẽ trôi xuôi. Một chút vắng lặng và hoang sơ đầu tiên đã thấp thoáng hiện trong tứ thơ. Vế sau là một hình ảnh của tâm trạng trong một tương quan so sánh với vế đầu. “Điệp điệp” là lặp đi lặp lại không bao giờ dứt. Có thể hiểu đây là hình ảnh những lớp sóng tràng giang miên man nối tiếp, gợi sự đơn điệu, nhàm chán; và cũng có thể hiểu đây là ẩn dụ cho tâm trạng; nghệ thuật ẩn dụ đã khiến sóng sông hòa với sóng lòng, những gợn sóng trên sông triền miên, vô tận như hữu hình hóa những gợn buồn trong lòng người, nhẹ nhàng mà mênh mang không dứt. Cách hiểu này cũng có thể gợi nhớ một hình ảnh so sánh trong ca dao “sóng bao nhiêu gợn, dạ em sầu bấy nhiêu”. Nhưng nếu câu ca dao so sánh nỗi buồn với sóng nước để nhấn mạnh tương quan về số lượng (bao nhiêu – bấy nhiêu) thì câu thơ của Huy Cận lại chủ yếu nhấn mạnh tương quan về sắc thái: “sóng gợn” miên man vô tận cũng như nỗi buồn “điệp điệp” triền miên, da diết khôn nguôi.
“Con thuyền xuôi mái nước song song”
Câu thơ vẽ ra một vẻ đẹp hài hòa, đăng đối rất quen thuộc với quan niệm thẩm mỹ phương Đông, vẻ đẹp thường đem đến cho con người cảm giác thanh thản và bình ổn. Sự hài hòa, đăng đối không chỉ thể hiện qua những chi tiết tạo hình khi Huy Cận vẽ ra hình ảnh con thuyền trôi xuôi, song song với hai bờ “tràng giang” tạo ra một nét hài hòa êm ả với dòng sông mà còn bộc lộ tinh tế qua nghệ thuật đối của các vế cuối hai câu 1 và 2: “buồn điệp điệp/ nước song song”. Bức tranh thơ được phác họa qua một vài nét đăng đối cổ điển nhưng không có cái ung dung tự tại của tâm thế cổ điển – hình tượng thơ vẫn tỏa ra cái buồn ảo não của thi nhân lãng mạn. Bức tranh thơ đẹp nhưng thật buồn vì hình ảnh “con thuyền xuôi mái” đem lại cảm giác như con thuyền mặc sức chảy trôi giữa mênh mang vô định, không người chèo lái; còn buồn hơn vì thế song song giữa thuyền và nước gợi lên sự xa cách chia lìa vĩnh viễn, không gặp gỡ, không giao cảm. Vậy là dòng sông tuy có thêm hình ảnh con thuyền mà vẫn lạnh lẽo, hoang vắng, thậm chí còn buồn hơn vì con thuyền nhắc tới cảm giác thiếu vắng hình bóng con người. Vậy là câu 2 đã vẽ ra một vẻ đẹp buồn rất đặc trưng cho cảm hứng lãng mạn – cái đẹp hài hòa miên viễn, nỗi buồn ảo não, đơn côi.
“Thuyền về, nước lại, sầu trăm ngả”
Hai vế đối xứng “thuyền về/ nước lại” là một hình ảnh thực, diễn tả sự di chuyển ngược chiều giữa thuyền và nước khi thuyền trôi về phía trước, nước rẽ ngược về phía sau. Câu thơ vẽ ra hình ảnh con thuyền như mất hút vào cõi xa xôi giữa mênh mông sóng nước, giữa dòng tràng giang chia đi “trăm ngả”. Cũng như những gợn sóng gợi liên tưởng đến những gợn buồn trong câu một, nghệ thuật ẩn dụ trong câu ba lại đem đến cảm nhận tràng giang mênh mang như nỗi sầu muôn mối ngổn ngang trong lòng nhân vật trữ tình. Sóng nước hiện hữu cho nỗi buồn không dứt còn sông nước “trăm ngả” lại là ẩn dụ cho nỗi sầu vô tận vô cùng. Cùng với thế “song song” gợi sự chia lìa vĩnh viễn trong câu hai, sự di chuyển ngược chiều của thuyền và nước trong câu ba càng đem lại cho tràng giang cảm giác hoang vắng, buồn bã, hiu quạnh đến vô cùng.
“Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Sự đối xứng giữa “mấy dòng” và “trăm ngả” càng làm sông nước thêm bao la rợn ngợp, và do đó càng làm nổi rõ sự tương phản với một cành củi khô đơn lẻ. Cả bốn từ của vế đầu câu thơ “củi một cành khô” đều hướng tới nét nghĩa của sự ít ỏi, nhỏ bé, đơn côi, gầy guộc, đặc biệt khi đặt chữ “củi” lên đầu câu, nghệ thuật đảo ngữ đã tô đậm cảm giác thiếu vắng sự sống giữa một vùng không gian mênh mông, cảm giác ấy càng rõ hơn khi đặt cành củi khô xác trong hệ thống với “con thuyền xuôi mái” vắng bóng con người. Đặt trong trường liên tưởng của nghệ thuật ẩn dụ, cành củi khô gầy guộc, không còn sự sống, trôi nổi lạc loài giữa mênh mông tràng giang gợi bao suy ngẫm chua chát và buồn bã về sự nhỏ bé, vô nghĩa của những kiếp người giữa dòng đời. Có thể nói, hình ảnh “củi một cành khô” đã phần nào nói lên tâm trạng thi sĩ – một con người tài hoa nhưng vẫn đang loay hoay giữa cuộc sống bộn bề. Thơ ca tự cổ chí kim, nỗi buồn được cắt nghĩa với vô vàn hình hài, góc cạnh khác nhau. Có nỗi buồn khi “cây ngô đồng, vàng rơi vàng rơi thu mênh mông” (Bích Khê), có nỗi buồn trước “rặng liễu đìu hiu” (Xuân Diệu), lại có nỗi buồn khi nghe tiếng gà gáy não nùng trong thơ Lưu Trọng Lư. Nhưng có lẽ, buồn trước một cành củi khô thì chưa bao giờ xuất hiện trong kho tàng văn học Việt Nam. Đây cũng chính là sự sáng tạo mới mẻ góp phần tạo nên phong cách, chỗ đứng riêng cho Huy Cận trên thi đàn Thơ Mới.
Từ những ẩn dụ tinh tế trong hình ảnh sóng nước, con thuyền và cành củi lạc loài trên tràng giang, từ phép đối trong ngôn từ và nhịp điệu đều toát ra một phong vị cổ kính, trầm mặc. Huy Cận đã không chỉ phác họa bức tranh thiên nhiên mênh mang hoang vắng, thiếu hơi ấm của sự sống con người mà còn bộc lộ sâu sắc nỗi buồn cùng cảm giác đơn độc, vô nghĩa của thân phận con người khi đối diện với dòng đời vô định ngổn ngang. Sắc thái cổ điển lại hàm chứa tâm thế lãng mạn – nét đặc sắc này không chỉ tạo ra vẻ đẹp buồn của cảm hứng lãng mạn vốn rất đậm trong Thơ Mới mà còn làm nên phong cách riêng cho hồn thơ Huy Cận.