Giải Câu tham khảo Mẫu 2 Viết bài báo cáo nghiên cứu về việc vận dụng tục ngữ – ca dao trong lời thoại của nhân vật chèo – Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Chèo từ lâu đã là một loại hình nghệ thuật dân gian đại diện cho tiếng nói của những người dân bình thường trong xã hội xưa, là tấm gương phản chiếu cuộc sống con người dưới chế độ phong kiến. Khác với Tuồng – bộ môn nghệ thuật mà các tích truyện chủ yếu xoay quanh các bậc nam tử hán – Chèo lại vô cùng ưu ái khắc họa những người phụ nữ thời xưa – tầng lớp chịu nhiều khổ đau trong xã hội. Điều này là do khi Tuồng tập trung vào những đề tài tầm quốc gia đại sự – nơi dường như chỉ dành cho đàn ông theo quan niệm xưa – thì Chèo lại miêu tả cuộc sống làng xóm, gia đình nơi những người phụ nữ luôn hiện hữu trong xã hội cũ. Chính vì vậy, những vở Chèo kinh điển thường xoay quanh cuộc sống vất vả, bất công của người phụ nữ dưới xiềng xích của xã hội, nổi bật như vở ‘Quan Âm Thị Kính’, ‘Trương Viên’, ‘Kim Nham’… Trong đó trích đoạn “Xúy Vân giả dại” là một trích đoạn tiêu biểu mà đã được đưa vào chương trình học trung học phổ thông. “Xúy Vân giả dại” là trích đoạn thể hiện tập trung được bi kịch tình yêu và nội tâm đầy mâu thuẫn của nhân vật Xúy Vân một cách đặc sắc. Sự sáng tạo của dân gian trong lớp trò “Xuý Vân giả dại” đã phả hơi thờ nhân văn vào tác phẩm, vào nhân vật. Hình tượng Xúy Vân vừa mang nét đẹp của người phụ nữ truyền thống lại vừa phá cách mang lại tư tưởng mới mẻ, vượt ra khỏi phong tục lễ giáo lạc hậu.
Giáo sư Trần Bàng đã khẳng định trong “Chèo – một hiện tượng sân khấu của dân tộc”: “Tích trò của Chèo dành cho cuộc đời của những con người bình thường, ca ngợi những tấm gương cao cả trong tình bạn, tình yêu chung thủy, lòng hiếu thảo, lòng khao khát tự do trong tình yêu và cuộc sống. Giữ vị trí trung tâm trong các tích Chèo là số phận người phụ nữ, tầng lớp chịu nhiều đau khổ nhất dưới chế độ phong kiến.” Đặt trong hoàn cảnh xã hội đương thời, quan điểm này vừa chứa tính nhân đạo, vừa mang lại tư tưởng tiến bộ. Chèo không chỉ ca ngợi trân trọng những con người là hiện thân cho đạo đức xã hội như Thị Kính, Thị Phương… nhưng mặt khác với nhân vật Thị Mầu, Xúy Vân chèo còn thể hiện sự cảm thông. Đối với chèo, những nhân vật được hình thành là do hoàn cảnh xã hội, do khát vọng theo đuổi hạnh phúc cá nhân.
Nói đến nhân vật chèo, giáo sư Hà Văn Cầu cho rằng “mỗi nhân vật chủ đề mang một khát vọng hoặc một niềm tin mãnh liệt và luôn luôn tích cực thể hiện khát vọng và niềm tin ấy của mình. Cho dù búa rìu sấm sét họ cũng không thay đổi mục đích phấn đấu của họ” [1, tr 167]. Các nhân vật khi xuất hiện lập tức giới thiệu cho khán giả đặc điểm, tính chất của mình. Sự ổn định trong tính cách là đặc điểm chung của các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian, có sự phân biệt rạch ròi yêu ghét, tốt xấu. Ở Chèo, các nhân vật nữ được chia ra làm 3 nhóm bao gồm nữ chính, nữ lệch và nữ pha. Nữ chính (chín) thì thường có cuộc đời lận đận và bất công dưới chế độ nam quyền và xã hội phong kiến xưa, nhân vật Đào Chính vẫn giữ được những phẩm chất cao đẹp: công dung ngôn hạnh, nhân hậu, luôn cam chịu và sẵn lòng hi sinh vì chồng con. Nhân vật có kết thúc có hậu, qua đó thể hiện vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ và chân lí ở hiền gặp lành. Ngược lại với sự chuẩn mực của Đào Chính, nữ Lệch ngang nhiên đối mặt với những lễ giáo phong kiến hà khắc, phá cách, táo báo, dám lên tiếng cho số phận. Nữ Pha là sự kết hợp giữa hai nhân vật trên: có lúc chịu khổ đau mà vẫn nhẫn nhục chịu đựng nhưng đến cuối cùng sẽ phá cách táo bạo, thoát ra khỏi những khuôn mẫu ràng buộc của phong kiến.
Trên thực tế không phải các nhân vật đều tuân theo quy luật định hình về tính cách, chèo đã xây dựng các nhân vật có tính phức tạp và chiều sâu. Điển hình là nhân vật Xúy Vân, hình tượng của Xúy Vân từ cô gái ngoan ngoãn “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trở thành một nữ lệch phá các, mang tư tưởng mới. Qua đó ta thấy được quá trình biến đổi trong tâm lí và tâm trạng của nhân vật. Nhân vật Xúy Vân không chỉ chuyển tải thông điệp về người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa mà còn để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ về tiếng nói đề cao khát vọng chính đáng trong cuộc đời.
Cụ thể vở kịch Kim Nham kể về một người học trò có quê tại Nam Định. Với mong muốn theo nghiệp đèn sách, anh đã lên Tràng An (Hà Nội) xin trọ học, và được Huyện Tể gả con gái của mình là Xuý Vân cho. Xuý Vân là một cô gái thơm thảo, thuỳ mị và đảm đang với một ước mơ tha thiết về một hạnh phúc gia đình giản đơn “chồng cày vợ cấy”. Thế nhưng ngay sau khi kết tóc xe tơ, Xuý Vân bị nhà chồng thờ ơ và Kim Nham thì quay lại Tràng An để tiếp tục “dùi mài kinh sử” suốt mấy năm liền, để lại nàng trong sự cô đơn tột cùng. Tuy lúc đầu Xuý Vân nhất quyết không từ bỏ lòng chung thuỷ, chống lại những cám dỗ và quyết tâm chờ đợi Kim Nham suốt mấy năm ròng, chàng chưa đỗ đạt được làm quan và tiếp tục học hành không trở về nhà. Sống trong cảnh “chăn đơn gối lẻ” kéo dài như vậy, Xuý Vân cảm thấy ước nguyện cả đời của nàng về một mái ấm gia đình dần dần biến mất và tuổi thanh xuân như bị phí hoài. Vậy nên khi Trần Phương – một gã nhà giàu nổi tiếng phong tình ở Đông Ngàn – gặp nàng và trao cho nàng lời hứa về hạnh phúc mà cô đã ao ước bao lâu nay, Xuý Vân đã theo lời hắn giả dại để thoát khỏi Kim Nham. Xúy Vân giả điên, Kim Nham chạy chữa không được đành phải trả tự do cho nàng. Thế nhưng rồi Trần Phương bội hứa khiến Xuý Vân trở nên đau khổ và tủi nhục đến mức không dám trở về nhà. Từ chốn giả điên thì giờ nàng đã trở nên điên thật. Kim Nham sau mãi sau một thời gian dài mới đỗ đạt, được bổ làm quan. Nhận ra vợ cũ điên dại phải đi ăn xin, Kim Nham đã bỏ nén bạc vào nắm cơm sai người đem cho. Thấy trong nắm cơm có bạc, Xuý Vân đã ngộ ra về số phận trớ trêu của cô mà từ đó xấu hổ nhảy xuống sông tự vẫn.
Không giống như nhiều người con gái trong thế giới nhân vật của chèo cổ, Xúy Vân vốn xuất thân trong gia đình có cha là “Huyện tể, Nhà cự phú quốc gia vô địch”. Cái nguồn gốc xuất thân ấy dễ khiến ta liên tưởng đến sự giàu sang, bề thế, đến phép nhà nền nếp gia phong. Xuý Vân, một đào pha trứ danh, một nhân vật “nổi loạn”, nhưng trước hết lai là hiện thân của chữ Tòng trong đạo đức quan Nho giáo tam tòng. Vân cũng giống như bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến “tại gia” đã “tòng phụ”. Xúy Vân là một cô gái xinh đẹp, đảm đang và nàng lúc nào cũng mang trong mình khát khao hạnh phúc. Nhưng trong chế độ phong kiến xưa, Xúy Vân nói riêng mà những người con gái sống dưới chế độ ấy nói chung đều không có cái quyền tự định liệu cho hạnh phúc, lựa chọn cho mình tình yêu cũng như đối tượng mà mình cảm mến, mọi chuyện tình yêu, hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Cuộc hôn nhân của Xúy Vân với Kim Nham đều do một tay của cha mẹ nàng sắp xếp, mà sự sắp đặt này cũng không hề được định liệu sẵn mà hết sức vội vàng, và điều tất yếu là giữa hai người không hề có tình yêu. Ở giai đoạn này, Xúy Vân hoàn toàn là hình mẫu cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời xưa – một cô thôn nữ xinh đẹp, nết na, kết duyên với chàng Kim theo sự sắp xếp của cha mẹ. Nàng ý thức phận làm vợ phải nâng khăn sửa áo cho chồng giống như bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Và nếu cứ chấp nhận cuộc sống như thế thì cuộc đời Xúy Vân cũng chẳng khác gì các cô gái khi đã lấy chồng gánh trên vai nhiều trách nhiệm và phải biết hy sinh để làm tròn bổn phận.
“Thiếp xin về tần tảo sớm khuya
Trực phòng không là phận nữ nhi
Khuyên chàng sẽ gắng công đèn sách”
Xúy Vân mang trong mình khao khát về một hạnh phúc giản dị, một gia đình ấm áp. Vì luôn ấp ủ những khát khao hạnh phúc nên khi mới về nhà chồng nàng cũng muốn làm một người con dâu ngoan của bố mẹ chồng, một người vợ tốt của Kim Nham, điều này được thể hiện ra ngay lời hát múa của Xúy Vân khi giả dại, nàng múa điệu quay tơ, dệt cửi, vớt bèo, khâu vá…rất sinh động và khéo léo. Những công việc lao động mà Xúy Vân làm hàng ngày chứng tỏ cô hay lam hay làm, đảm đang khéo léo, đẹp người, đẹp nết. Là một cô gái lao động nên ước mong của Xúy Vân thật nhỏ bé, bình thường, cụ thể. Đó là một gia đình có vợ chồng đầm ấm, chồng cày vợ cấy, đến mùa lúa chín thì chồng đi gặt, vợ mang cơm:
“Chờ cho lúa chín bông vàng
Để anh đi gặt, để nàng mang cơm”.
Nhân duyên của Kim Nham, Xúy Vân ràng buộc, gắn bó, dắt díu với nhau nhưng những ước mơ, ao ước của họ hoàn toàn khác xa nhau, vì vậy mà khó có thể dung hợp, cuộc sống vợ chồng cũng khó có thể hạnh phúc. Tâm trạng ấm ức, bế tắc, cô đơn của Xúy Vân được thể hiện qua hình ảnh: “Con cá rô nằm giữa vũng chân trâu – để cho năm bảy cần câu châu vào” Hình ảnh gợi bóng gió về một không gian nhỏ hẹp, và đầy bất trắc. Đó cũng chính là tình cảnh thực tại của Xúy Vân. Sau mỗi lời bộc bạch lại là điệp ngữ: “Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên” cho thấy nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc của nàng không thể chia sẻ được bất cứ ai, láng giềng không, mà ngay cả với cha mẹ – người yêu thương và hiểu nàng nhất thì cũng không thể thấu hiểu được nỗi lòng của nàng.
Xúy Vân ước mơ một hạnh phúc giản dị “chồng cày vợ cấy”, còn chồng nàng – chàng Kim Nham lại mơ ước hạnh phúc là con đường học vấn công danh. Họ không gặp nhau trong mơ ước. Sự xô đẩy của số phận và sự xuất hiện của những nhân vật mới như Mụ
Quán, Trần Phương, đặc biệt là Trần Phương – đã không cho nàng tuân theo những phạm trù đạo đức đó nữa. Hay nói khác đi, Xuý Vân đã bị bật ra khỏi cái quỹ đạo của đạo đức quan phong kiến, lễ giáo phong kiến. Từ đây, cuộc đời của Xuý Vân đã ngoặt sang một bến bờ mới, phụ Kim Nham mà say đắm Trần Phương. Vì không thể chịu đựng được nên nàng từ giả dại sang phát điên vì tình, có thể nói hoàn cảnh của người phụ nữ này vô cùng éo le, tuy đáng trách khi bỏ Kim Nham theo Trần Phương nhưng nàng cũng vô cùng đáng thương vì tin tưởng người khác một cách đầy dại khờ. Xúy Vân đã tự hát về mình : “Tôi không trăng gió nhưng gặp người gió trăng”, nàng không phải người lẳng lơ, nhưng nàng lại không hề có tình yêu với chồng của mình là Kim Nham, Trần Phương là người đầu tiên nàng yêu, hơn nữa còn yêu say đắm. Xúy Vân đã đi trên con đường phá bỏ những ràng buộc của đạo đức quan, của dư luận xã hội. Xuý Vân cũng như những người phụ nữ bình dị khác chỉ đòi hỏi quyền yêu và được yêu. Ta vừa cảm thông cho Xúy Vân, vừa lo lắng cho nàng vì ta biết rõ điều gì sẽ chờ nàng ở phía trước. Kim Nham đã trả lại tự do cho Xúy Vân. Xúy Vân mừng rỡ chạy theo người tình.
Tác giả dân gian đã phê phán Xuý Vân “phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương”. Nhưng với cái nhìn cảm thông thì sẽ thấy Xuý Vân đến với Trần Phương là một hành động mạnh mẽ, dám vì tình yêu. Chính cái ước mơ chính đáng và tình cảnh bế tắc, cô đơn giữa gia đình nhà chồng đã đẩy Xuý Vân đến sự lựa chọn tự do nhưng đầy bi kịch. Đó là con đường đi tìm hạnh phúc trong tình yêu và gia đình, cái hạnh phúc không có chỗ trong xã hội mà nàng sống. Bi kịch của nàng cũng từ đây mà ra. Nguyện vọng giải phóng để theo đuổi khát vọng tình yêu hạnh phúc gần kề lại phải trả giá bằng hành động giả điên đã gợi lên trong lòng ta bao nỗi chua xót. Những câu hát ngược của Xúy Vân minh chứng cho trạng thái tâm lí khác của nhân vật được bộc lộ. Những câu nói ngược, đầy những phi lý, nghịch dị khơi gợi về một thực trạng nội tâm xáo trộn, bất ổn, đầy trớ trêu. Bi kịch tiếp theo trong cuộc đời của Xúy Vân là bị Trần Phương phụ bạc, Xúy Vân đã điên thật. Điên vì sự đời đảo điên. “Con cá rô nằm giữa vũng chân trâu/ Để cho năm bảy cái cần câu châu vào”. Xúy Vân đáng thương biết bao, từ chỗ là người đàn bà có phẩm hạnh, có gia đình, giờ đây nàng đã mất tất cả, chẳng có ai cảm thông và chia sẻ nổi với nàng. Khi Xúy Vân đến Tràng An, tình cờ gặp lại Kim Nham, nhận nắm cơm do lòng thương hại mà ngư ̣ ời chồng cũ đã bố thí cho, Xúy Vân đau đớn quá. Nàng đã tìm đến cái chết. Những thứ nghịch lý ngang trái đó thể hiện cuộc đời Xúy Vân chỉ toàn những bất hạnh khổ đau. Nỗi cô đơn và hoàn cảnh đẩy đưa đã dẫn đến kết cục đau đớn.
Tóm lại, chèo Kim Nham là một tác phẩm có ý nghĩa vượt thời gian. Sự lựa chọn tự do của Xúy Vân đã cho thấy, chừng nào người phụ nữ còn muốn vượt ra ngoài khuôn khổ, tự do lựa chọn tình yêu, thì chừng đó còn phải chấp nhận những trái đắng của số phận, và có thể phải nhận lấy cả cái chết. Những thông điệp như thế còn quá nhiều ý nghĩa đối với những phụ nữ hiện đại trong cuộc sống hôm nay.