Trang chủ Lớp 11 Văn lớp 11 Văn mẫu 11 Kết nối tri thức Bài tham khảo Mẫu 3 Phân tích diễn biến tâm trạng nhân...

Bài tham khảo Mẫu 3 Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời để thấy rõ bi kịch của nhân vật Chí Văn mẫu 11 Kết nối tri thức: Cuộc gặp gỡ của Chí và Thị chỉ là sự tình cờ giữa hai con người mê muội. Chí lúc tỉnh lúc say

Trả lời Bài tham khảo Mẫu 3 Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời để thấy rõ bi kịch của nhân vật Chí – Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Cuộc gặp gỡ của Chí và Thị chỉ là sự tình cờ giữa hai con người mê muội. Chí lúc tỉnh lúc say, mà hầu như là chẳng tỉnh bao giờ. Còn thị cũng ngù ngờ, dở hơi. Đã thế, nhà văn lại ban cho ả một “nhan sắc” “kinh tởm” mà ông tóm gọn trong mấy từ “xấu ma chê quỷ hờn”. Ấy vậy mà khi gặp nhau, cái xấu ấy lại làm một cho một người đàn ông chết mê chết mệt. Có thể vì bản năng, vì dục vọng thể xác mà họ ngã vào nhau. Nhưng sau khi thỏa mãn, họ lại dành cho nhau những thứ tình cảm thật “lạ lùng”. Lạ đến mức người đàn bà dở hơi ấy đã xác định được đây chính là cuộc sống “vợ chồng”. “Hai từ vợ chồng nghe ngường ngượng nhưng mà thinh thích”. Đây đúng là tâm lý của kẻ mới yêu, đang yêu và đang hạnh phúc.

Còn Chí, sau trận ấy, Chí bị ốm. Một trận ốm nặng mà nếu không có Thị, Chí sẽ chết mất. Thị dù có dở hơi, nhưng tấm lòng vẫn thánh thiện khi dành cho Chí một bát cháo hành với ý nghĩ giúp Chí mau khỏe mạnh. Có lẽ Thị là người cuối cùng còn sót lại trong xã hội này còn nhìn nhận đến Chí. Hoặc do thị ngù ngờ nên không phân biệt được đâu là người, đâu là quỷ dữ nên mới chấp nhận con người Chí. Nhưng dù gì đi chăng nữa, những ân cần săn sóc của Thị cũng đã mang một làn gió mới đến với cuộc đời Chí. “Bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hay là đói rượu? Nghĩ đến rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan hắn lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!”. “Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Những dòng suy nghĩ của Chí cho thấy rằng Chí hoàn toàn rất khôn ngoan, rất có ý thức sống. Chỉ là do trước đây vì đắm chìm trong men rượu nhiều quá nên Chí không còn nghĩ ngợi tới nữa. Một con người đã trải qua quá nhiều biến cố trong cuộc đời, dòng suy nghĩ hẳn là chín chắn và thấu đáo hơn rất nhiều. Chí biết tiếc cuộc sống, biết nhận ra cuộc đời mình lúc này đang ở trong tình trạng như thế nào và mình cần phải sống ra sao. Chí buồn vì đã để cuộc đời chìm trong cơn say quá nhiều. Và cũng hận khi đã tự chôn vùi đời mình trong thù hận. Những dòng suy nghĩ ấy làm Chí bừng tỉnh và sống lại ước mơ nhỏ bé nhưng giản đơn và thánh thiện ngày nào của mình. Chí ước có một gia đình nhỏ. Chồng cày thuê cuốc mướn. Vợ dệt vải thêu thùa. Cuộc sống ấy tuy nghèo, tuy thiếu thốn nhưng sẽ hạnh phúc biết bao. Và giờ đây Chí muốn tiếp tục thực hiện ước mơ ấy cùng Thị Nở. Chí sẽ làm lại từ đầu, làm hòa với mọi người. Chí đang rất tỉnh. Nếu lúc trước Chí say và ngã vào Thị vì Chí không biết rằng người đàn bà ấy vừa dở hơi vừa xấu xí, xấu đến mức ma chê quỷ hơn. Nhưng lúc này, khi hoàn toàn tỉnh táo, Chí không những chấp nhận thị mà còn yêu thị. Bởi chỉ có tình yêu mới khiến con người ta cảm hóa những cái xấu thành cái đẹp. Chí thấy thị có duyên lắm. Và Chí đang rất vui khi được ở cùng thị. Chí đâu có say. Chính vì Chí tỉnh nên Chí mới cảm nhận được những hương vị của cuộc sống, của tình yêu. Những chi tiết này cho ta khám phá ra thêm một đức tính nữa của Chí. Đó là lòng nhân hậu lớn lao vô cùng. Bởi trong làng ai cũng nhìn Thị bằng con mắt khinh thường và cho rằng Thị chỉ là một người dở hơi. Mà đúng là thị dở thật. Cũng chính vì dở nên Thị mới để cho Chí ngã vào. Nhưng khi tỉnh táo, tình thế đã đảo ngược lại. Lúc này Chí là người khôn ngoan và hoàn toàn bình thường. Nhưng Chí không hề chê bai thị, cũng chẳng xua bỏ thị. Mà ngược lại, Chí còn muốn gắn bó cả đời với thị, cùng thị xây dựng ước mơ ngày nào còn dang dở của mình.

Nhưng rồi, hạnh phúc ấy chẳng được bao lâu, những dự định của Chí cũng vụt tắt khi Thị trở về nghe lời người bà cô rũ bỏ Chí. Chí một mình ở lại trong căn lều in dấu bao kỷ niệm về tình yêu của mình. Thất vọng, khổ đau và lòng thù hận lại nổi lên. Nhưng lần này, Chí tỉnh rồi, Chí không đi rạch mặt ăn vạ nữa. Chí đến thẳng nhà Bá Kiến để đòi lại quyền sống của mình. Sống nhưng lại là chết. Chết để giữ được bản chất lương thiện của bản thân. Chí giết Bá Kiến rồi cũng tự kết liễu cuộc đời mình. Phải đi đến quyết định ấy, hẳn là Chí đau khổ lắm. Nhưng với Chí lúc này, đó là cách duy nhất để không quay lại cuộc sống nghiệt ngã như trước kia nữa.

Như vậy, sau khi gặp Thị Nở, cuộc đời Chí đã liên tiếp xảy ra hai biến cố lớn. Một là tỉnh – tỉnh dậy sau những cơn say dài triền miên. Tỉnh để sống, để yêu và hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy không được bao lâu thì biến cố thứ hai lại xảy đến khi thị trở mặt với Chí, khiến Chí tiếc nuối khôn nguôi. Trong cơn tuyệt vọng Chí giết Bá Kiến và kết liễu cuộc đời mình. Không phải vô tình mà Nam Cao lại dàn dựng nên những dòng tâm lý trắc ẩn cho Chí, mà trong đó là những thông điệp sâu xa mà ông muốn gửi gắm đến người đọc.

Thứ nhất là hình ảnh về người nông dân nghèo khổ, bất hạnh bị xã hội đẩy đưa đến bước đường cùng. Đến ngay cả cái hạnh phúc của bản năng con người họ cũng không có được. Cho đến khi có được thì lại nhanh chóng vụt bay cũng chỉ vì định kiến xã hội.

Thứ hai, nhà văn muốn đề cao nhân phẩm, phẩm chất của con người. Chí dù say, nhưng khi tỉnh hắn vẫn luôn mang một tâm hồn trong sáng với tấm lòng nhân hậu tinh khiết. Đặc biệt, là Thị Nở – bên trong người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn ấy lại chính là một tâm hồn cao cả. Suýt chút nữa Thị cũng đã bị vùi dập giống như Chí. Hai cong người cùng chung cảnh ngộ ngã vào nhau, cùng làm cho nhau tìm lại chính bản thân mình.

Thứ ba, Nam Cao đã đưa người đọc đến với một tầm cao mới của tình yêu. Đó là tình yêu không chỉ dừng lại ở xác thịt mà ở tình yêu còn là sự đồng điệu của hai tâm hồn. Yêu không vì vẻ bề ngoài, cũng không vì vật chất cao sang. Yêu chỉ vì yêu, vì trái tim. Nhưng dù yêu đến thế nào đi nữa, tình yêu cũng không thể vượt qua giới hạn của thực tế. Ở đây, thực tế của Chí Phèo – Thị Nở chính là những định kiến nghiệt ngã về một tên quỷ dữ đội lốt người mang tên Chí Phèo.

Thứ tư, là sự minh mẫn, sự thức tỉnh trong tình yêu. Tình yêu dù vui buồn hay hạnh phúc, nhưng thứ mà con người ta cần phải giữ vững là tinh thần, là trí óc. Ở đây, sau khi thức tỉnh, Chí vẫn giữ vững tình cảm của mình với thị. Ngay cả sau khi bị thị chối từ, Chí vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Chính vì thế Chí mới đi đến quyết định giết chết Bá Kiến rồi tự vẫn.

Như vậy, chỉ bằng một đoạn văn ngắn kể lại diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, nhà văn đã gửi gắm những thông điệp có ý nghĩa sâu xa tới người đọc. Nam Cao không còn, và cuối tác phẩm Chí Phèo cũng chết nhưng những dòng xúc cảm của một con người lần đầu tiên tỉnh rượu đã đánh động tâm hồn mọi người tự ý thức mình, tự nâng niu, trân trọng những gì mình đang có trong cuộc sống cũng như trong tình yêu.