Lời giải Bài tham khảo Mẫu 3 Nghị luận về cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò như thế nào trong việc hoàn thiện nhân cách – Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
“Cái răng, cái tóc là góc con người” là câu tục ngữ quen thuộc của người Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân. Nếu người xưa có thể nhìn vào “cái răng”, “cái tóc” để đánh giá về một cá nhân thì ngày nay, nhân cách của con người còn được thể hiện ở cách chúng ta tổ chức cuộc sống.
“Nhân cách” là phẩm chất, tính cách của con người được thể hiện thông qua suy nghĩ, hành động và lời nói. Một người có nhân cách tốt là người có nhiều đức tính cao đẹp, có thể kể đến như: chăm chỉ, trung thực, dũng cảm, nhân ái, trách nhiệm,… Còn “tổ chức cuộc sống cá nhân” bao gồm rất nhiều khía cạnh. Đó có thể là nề nếp sinh hoạt hằng ngày, việc hoạch định kế hoạch trong đời hay cách ta chăm sóc cho thể chất và tinh thần của bản thân,… Cách tổ chức cuộc sống có ý nghĩa quan trọng và mối quan hệ mật thiết với việc kiến tạo nhân cách của mỗi người.
“Gieo hành động, bạn sẽ gặt thói quen, gieo thói quen bạn sẽ gặt tính cách, gieo tích cách bạn sẽ gặt số phận”. Một hành động nhỏ tưởng chừng như vô nghĩa nhưng nếu được lặp đi lặp lại với tần suất nhất định sẽ trở thành lề thói quen thuộc. Theo thời gian, điều này giống như mưa dầm thấm lâu, ăn sâu vào tâm trí con người và khó lòng thay đổi. Lời nói, hành vi, phong cách sinh hoạt thể hiện cách chúng ta tư duy về đời sống, ngầm bộc lộ quan điểm của ta về những sự kiện xung quanh. Từ tính cách, lý tưởng, đam mê đến sở thích, sở ghét,…đều được hiện hữu rõ ràng. Bộ đồ lôi thôi, bàn làm việc bừa bộn thường là sản phẩm của một người cẩu thả. Căn buồng cũ kĩ nhưng được quét tước sạch sẽ, sắp đặt gọn gàng sẽ nói lên tính ngăn nắp cùng phẩm chất khiêm tốn của chủ nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng điển hình cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa thói quen sống với nhân cách. Đôi dép cao su, bộ quần áo kaki, căn nhà sàn với ao cá đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn thanh cao, giản dị của Người. Xa quê hương nhiều năm, đặt chân đến biết bao xứ sở nhưng khi trở về quê hương, Người vẫn yêu thích những món ăn dân dã. Thói quen tập thể thao hằng ngày của Bác còn cho thấy tinh thần kỉ luật, không ngại tôi luyện bản thân. Hồ Chí Minh không chỉ là cái tên mà còn trở thành một phong cách sống đáng noi theo.
Cách tổ chức đời sống cá nhân có quan hệ trực tiếp đến việc hoàn thiện nhân cách của con người nên ta cần ý thức được tầm quan trọng của nó. Mọi yếu tố trong con người ta luôn xoay vần như một vòng tuần hoàn. Hành động tạo ra thói quen, suy nghĩ và chính lối tư duy cùng quan niệm nhân sinh của ta lại tác động đến cách hành xử. Thói quen tốt gieo mầm cho lối tư duy hiện đại, hạnh phúc. Thói quen xấu đem đến hành vi vô phép tắc, ảnh hưởng đến chính mình và cộng đồng xung quanh. Tư duy cổ hủ dẫn đến định kiến sai lệch, tư duy cởi mở mang đến nhiều cơ hội bất ngờ. Không chỉ đúng đắn với cá nhân mà chân lí này còn có thể áp dụng lên phạm vi toàn xã hội.
Như vậy, để có một nhân cách tốt, con người cần rèn luyện cách tổ chức cuộc sống tích cực từ khi còn nhỏ. Cẩn thận trong từng hành động, nói năng khiêm tốn sẽ hình thành cung cách ứng xử văn hóa. Biết chăm chút cho vẻ đẹp ngoại hình, tìm ra phong cách ăn mặc phù hợp và học tập chăm chỉ, không ngừng bồi đắp tri thức sẽ giúp ta tìm được sự cân bằng giữa thể xác và tâm hồn. Nghiêm khắc với bản thân, sống có kỉ luật là cách ta tạo dựng sự tự tôn và được người khác tôn trọng.
Lê – nin từng nói: “Chiến thắng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất”. Con người không ai là hoàn hảo nhưng luôn có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình bằng cách thiết lập lối sống lành mạnh