Đáp án Bài tham khảo Mẫu 3 Cảm nhận về hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân – Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Thành công của một tác phẩm được làm nên từ rất nhiều yếu tố. Một trong số đó là những chi tiết đắt giá làm nên ấn tượng sâu sắc với người đọc và đồng thời qua đó phải thể hiện được dụng ý nghệ thuật cũng như tư tưởng của tác giả trong tác phẩm đó. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh nồi cháo cám vào trong tác phẩm, qua đó làm nổi bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn đối với cuộc đời và con người.
“Vợ nhặt” là một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống cùng cực, thê thảm của người nông dân trong nạn đói lịch sử 1945. Tiêu biểu cho những người nghèo đói là gia đình anh Tràng. Trong hoàn cảnh nhà khó khăn đến vậy, việc lấy vợ của anh khiến cho ai nấy đều ngạc nhiên hết sức. Bởi giữa cảnh nghèo đói, cận kề với cái chết, nuôi thân mình còn chưa xong vậy mà lại còn đèo thêm miệng ăn, “rước cái của nợ ấy về”. Và trong bữa cơm đón nàng dâu mới, hình ảnh nồi cháo cám khiến cho người đọc không khỏi xót xa và thương cảm cho những số phận cùng khổ. Với chi tiết này, nhà văn cũng muốn nói lên tình yêu thương con người và mơ ước về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Nếu trong bữa ăn nghèo đói thường ngày thì đã đành, nhưng đây trong bữa sáng đầu tiên nhà có cô dâu mới mà cả nhà lại ngồi với nhau bên nồi cháo cám. Bà cụ Tứ sợ con dâu buồn nên phân trần: “kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo quá, cũng chả ai chấp nhặt gì lúc này”. Tình cảnh khốn khó ấy lại càng khiến cho người đọc không khỏi nghẹn ngào vì bữa cơm đón nàng dâu mới thực sự thê thảm: “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Cả bà cụ Tứ, anh cu Tràng, vợ anh và cả người đọc đều hiểu rõ, với bữa cơm như vậy thì lấy đâu ra mà ăn ngon lành cho cho được. Nhưng ở đây, cả ba người đều “ăn rất ngon lành” là vì ai cũng hiểu, ai cũng nén trong lòng và cố làm ra vẻ vui tươi.
Nhưng có lẽ đó cũng là niềm vui thực sự. Bởi lẽ, vượt lên trên cái nghèo đói hiện diện trước mắt, con người ta cũng biết trân trọng những hạnh phúc đời thường. Bà cụ Tứ chính là một người mẹ đầy nhân hậu và bao dung, dù trong cảnh nghèo đói nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận cô con dâu mới, thậm chí là còn vui mừng vì những tưởng con mình không có ai để ý đến vậy mà nay con đã lấy được vợ. Chính vì thế mà trong bữa cơm sáng, bà cụ đã nói toàn chuyện vui, chuyện tương lai để động viên các con: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. [..] Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”. Những câu chuyện mà bà cụ nói đều là những chuyện tốt đẹp để mong tương lai sẽ rộng mở hơn. Đây cũng là những mong ước của tất cả mọi người trong hoàn cảnh khó khăn ấy.
Nhưng vừa mới nhen nhóm lên được chút hy vọng thì thực tại đã đổ sập ngay trước mắt. Khi mà bà cụ “lật đật chạy xuống bếp, lễ lễ bưng ra một cái nồi bốc lên nghi ngút. […] vừa khuấy vừa nói: Chè đây! Chè khoán đây!” nhưng kì thực đó lại là một nồi cháo cám. Đây được xem là một chi tiết đắt giá, nó vừa gợi lên cái nghèo đói cùng cực, vừa cho thấy tình người cao đẹp trong đó. Trong hoàn cảnh là nạn đói năm 1945, khi mà “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”, thì nồi cháo cám lại được xem là một món ăn cứu đói, là món “chè” xa xỉ hơn nhiều nhà khác rồi. Và vì thế, mặc dù có chút thất vọng nhưng cả ba người không một ai chê trách. Mẹ Tràng thì đon đả khen “ngon đáo để”. Tràng tuy cảm thấy nghẹn ứ nơi cổ họng nhưng vẫn cố gắng ăn để mẹ vui lòng. Còn người vợ thì “điềm nhiên và vào miệng”. Chi tiết này cũng cho thấy vợ Tràng không còn chao chát đỏng đảnh như hôm gặp trên phố nữa mà thị đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới. Chính vì thế mà tất cả ba người cùng tin vào một tương lai sẽ tốt đẹp hơn.
Có thể nói rằng, hình ảnh nồi cháo cám đã để lại những ấn tượng đậm nét trong tâm trí người đọc. Chi tiết này vừa có giá trị hiện thực lại vừa có giá trị nhân văn, nhân đạo rất lớn. Qua hình ảnh nồi cháo cám, người đọc hiểu rõ hơn về tình cảnh nghèo đói, khốn khó của đồng bào ta trong nạn đói 1945. Tuy vậy nhưng trong cảnh chết chóc nghèo đó, người ta vẫn thấy ánh lên tình người, tình yêu thương và lòng ham sống vô bờ bến. Tưởng chừng như đang trong bờ vực của cái chết lắt lay, người ta chỉ nghĩ đến những thống khổ nhưng không, ở đây người đọc vẫn bắt gặp tình thương của một người mẹ dành cho con, tình cảm của người vợ dành cho chồng và trách nhiệm của một người chồng dành cho gia đình của mình. Tất cả đều cùng hướng đến một tương lai hạnh phúc và no đủ hơn.