Trang chủ Lớp 11 Văn lớp 11 Văn mẫu 11 Chân trời sáng tạo Bài tham khảo Mẫu 3 Phân tích văn bản Nguyệt cầm Văn...

Bài tham khảo Mẫu 3 Phân tích văn bản Nguyệt cầm Văn mẫu 11 Chân trời sáng tạo: Trong văn chương của dân tộc cũng như văn chương của thế giới

Trả lời Bài tham khảo Mẫu 3 Phân tích văn bản Nguyệt cầm – Văn mẫu 11 Chân trời sáng tạo.

Câu hỏi/Đề bài:

Trong văn chương của dân tộc cũng như văn chương của thế giới, ta có thể thấy hình ảnh ánh trăng là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong cảm hứng thi ca của các thi nhân, đã có rất nhiều những tác phẩm hay, thành công với các đề tài này. Trăng được khai thác ở nhiều khía cạnh, truyền tải, biểu đạt cho những nội dung, đề tài khác nhau. Vì vậy có thể nói viết về trăng không còn là một đề tài mới mẻ, đây cũng là áp lực cho các thế hệ thi nhân sau đó. Nhưng đến lượt của mình, Xuân Diệu đã thể hiện một cách mới mẻ, sáng tạo về cái đề tài tưởng chừng như đã quá đỗi quen thuộc ấy, không chỉ lựa chọn cho mình một điểm nhìn, một khía cạnh mới để khám phá, mà Xuân Diệu còn đặt hình ảnh quen thuộc ấy với một sự vật ngỡ không mấy liên quan, đó chính là tiếng đàn cầm, tạo nên một tác phẩm thành công mang tên “Nguyệt cầm”.

“Nguyệt cầm” là bài thơ Xuân Diệu viết để thể hiện những cảm xúc, tình cảm đầy chất trữ tình, đặc biệt là những ẩn ý của cảm xúc ấy được thể hiện qua một hình ảnh mới lạ “nguyệt cầm”. Với nhan đề của bài thơ này ta có thể liên tưởng về sự hòa quyện của ánh trăng trong bản nhạc của người nghệ sĩ, sự hòa quyện này không chỉ tạo nên khung cảnh tuyệt sắc mà còn tạo ra âm thanh du dương, quyến rũ, hấp dẫn người nhìn, người xem. Mặt khác cũng gợi đến bóng dáng của nhân vật trữ tình với cây đàn cầm gảy trong đêm trăng. Nhưng đó chỉ là cảm nhận đầu tiên của độc giả về nhan đề của bài thơ, nhưng liệu mục đích, ý niệm của nhà thơ có phải vậy không thì còn cần phải xem xét, tìm hiểu:

“Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”

Không gian được nhà thơ Xuân Diệu gợi mở ra ở đây chính là không gian của một đêm trăng, đối tượng soi chiếu của ánh trăng đó được gợi nhắc cụ thể ở đây, chính là “cung nguyệt”. Thể hiện sự tiếp xúc giữa ánh trăng với cung đàn, Xuân Diệu đã thể hiện thông qua động từ “nhập”, từ này có sức ám ảnh mạnh mẽ, vì nó không chỉ gợi ra sự giao hòa của trăng- đàn mà nó còn gợi ra sự hợp nhất thành một giữa chúng. Nhưng sự giao hòa tuyệt đối này gợi ra cho người đọc sự choáng ngợp, đồng thời cảm nhận được hơi lạnh vô hình len lỏi, tác động vào tâm trí, trong dòng cảm nhận “Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh”. Ngay câu thơ đầu tiên, nhà thơ Xuân Diệu đã tạo cho bài thơ một âm hưởng trầm buồn, và nỗi buồn ấy được thể hiện ngay trong câu thơ sau đó “Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần”, vầng trăng trong cái nhìn của nhà thơ cũng đâu phải là một hiện tượng của thiên nhiên mà nó như một con người, có sự đa cảm nhất định, biết thương, biết nhớ.

Tương đồng với dòng xúc cảm của vầng trăng, cung đàn dường như cũng u uất, lặng lẽ trong giai điệu “Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm”, và trong cách miêu tả của nhà thơ, ta lại liên tưởng đến đàn và trăng như một đôi tình nhân, và giữa họ là một chuyện tình buồn “Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”, “giọt rơi” ở đây có thể là ánh trăng, hiểu như vậy ta có thể thấy được cái độc đáo trong cảm nhận của Xuân Diệu, vì nhà thơ đã dùng âm thanh để miêu tả cái hình ảnh, ánh trăng buông xuống như những giọt lệ sầu thương.

“Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh

Lung linh bóng sáng bỗng rùng mình

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh”

Không gian trữ tình tiếp tục được nhà thơ mô tả bằng những hình ảnh cụ thể, sinh động. Đó chính là là không gian của bầu trời đêm “Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh”, không gian ấy tuy có trăng nhưng vắng những đám mây lại gợi ra một không gian bị thu hẹp, “trời trong” vừa gợi ra độ sâu, vừa gợi ra độ trong của bầu trời, khi ấy, không gian buổi đêm như “thủy tinh”. Và ánh sáng của vầng trăng trên bầu trời ánh chiếu xuống không mang cảm giác yên bình như thường thấy mà nó sáng “lung linh”, tức ánh sáng đẹp nhưng lại mang đến sự rung mình cho người nhìn, người đón nhận nó. Và nguyên nhân của sự rung mình đó cũng được nhà thơ lí giải, đó là sự tích về cái chết của người phụ nữ, khi người phụ nữ ấy cất tiếng hát rồi đắm mình trong dòng chảy của dòng nước xanh, vào đúng thời khắc đêm rằm, khi ánh trăng cũng đẹp, cũng lung linh như vậy.

“Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời

Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi…

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”.

Từ những nét phác thảo thoáng qua, nhà thơ Xuân Diệu đã đi đặc tả cụ thể những chi tiết, hoàn thiện những nét vẽ cụ thể của bức tranh thơ. Không gian đêm trăng là không gian của tiết trời vào thu, vì vậy mà ánh trăng như càng thêm tỏ rạng “Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời”, và trong không gian tuyệt sắc của không gian đêm trăng đó, vang vọng đâu đó tiếng đàn đầy u uẩn, bởi nó lạnh như nước, làm tái tê cõi lòng người nghe “Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi..” câu thơ gợi cho người đọc liên tưởng cho người đọc liên tưởng đến một thứu âm thanh réo rắt, lạnh lẽo, khắc khoải đến tận tâm can. Và sở dĩ tiếng nhạc bi thương, réo rắt như thế là bởi chính chủ thể của tiếng đàn ấy đang đeo mối sầu không có người dãi tỏ “Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”.

“Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê

Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề

Sương bạc làm thinh, khuya nín thở

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”.

Ở khổ thơ cuối này, ta có thể thấy cách mô tả của nhà thơ Xuân Diệu rất độc đáo, bởi nhà thơ một lần nữa lấy cái hình ảnh để đặc tả cái âm thanh “Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê”, rõ ràng là âm thanh của cung đàn đấy nhưng lại được thể hiện qua hình ảnh đầy sức gợi tả “ánh”, với cách dùng từ này tạo ra được sức hấp dẫn cũng như các cung bậc cảm xúc mà tiếng nhạc đó mang lại, sự đẹp đẽ của tiếng nhạc đó được Xuân Diệu liên tưởng đến vẻ đẹp của “biển pha lê”, cái đẹp mênh mông, trong sáng. Đến đây nhân vật trữ tình mới xuất hiện trong sự suy tư bộn bề “Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề”, không gian xung quanh cũng như đồng cảm với thi nhân, như cảm nhận được nỗi buồn, sự bỗi bề ấy mà “làm thinh”, “nín thở”. Âm thanh tiếng nhạc vẫn réo rắt, không chỉ đánh động tâm can con người mà còn đánh động đến cả sao Khuê

“Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”.

Bài thơ “Nguyệt cầm” của nhà thơ Xuân Diệu là một bài thơ mang những cảm xúc rất đặc biệt của nhà thơ, bởi độc giả thường quen với hồn thơ Xuân Diệu, một hồn thơ dạt dào cảm xúc tươi mới, sự hối hả, vội vàng đầy đắm say với tình yêu, với cảnh sắc, vẻ đẹp của “thời tươi” thì trong bài thơ này tuy vẫn dạt dào cảm xúc, song lại mang âm vị trầm buồn, chất chứa những nỗi suy tư, những bí mật không thể dãi bày, không thể tâm sự.