Hướng dẫn giải Bài tham khảo Mẫu 3 Cảm nghĩ của anh (chị) sau khi đọc đoạn trích Tôi muốn được là tôi toàn vẹn – Văn mẫu 11 Cánh diều.
Câu hỏi/Đề bài:
Lưu Quang Vũ là một trong những nhà soạn kịch tài hoa trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Kịch Lưu Quang Vũ được đánh giá là thành công nhất của ông, cũng làm nên tên tuổi của ông trong nền văn học đương đại. Hồn Trương Ba da hàng thịt là một trong những vở kịch tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Lưu Quang Vũ. Đoạn trích: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” là cảnh VII và đoạn kết của vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Đoạn trích đã đặt ra vấn đề quan trọng giữa một việc sống hài hoà, trọn vẹn cả thể xác lẫn tinh thần của con người trong cuộc sống.
Đoạn trích “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” tập trung kể về cuộc đời của chàng Trương Ba, là một người có tài đánh cờ xuất chúng nhưng không may chết oan do sự nhầm lẫn của Nam Tào. Nhằm chuộc lại lỗi lầm của mình Nam Tào và Đế Thích đã cho Trương Ba sống lại nhưng trong một thể xác của người khác. Ban đầu mọi thứ có vẻ thuận lợi khi Trương Ba được sống lại trên trần thế, nhưng dần dần mọi thứ lại trở nên khó khăn, rắc rối vì thể xác và tâm hồn của Trương Ba không hòa nhập với nhau. Trương Ba vốn là một người có học thức còn anh bán thịt lại là người thô lỗ, phàm tục, điều này đã dẫn đến những mâu thuẫn, sự xô xát không thể tránh khỏi giữa phần xác và phần hồn. Những đòi hỏi vô lý của người vợ, sự xa lạ của gia đình và những người thân yêu… tất cả đã đẩy chàng Trương Ba vào bi kịch mới: sống còn đau khổ hơn cả cái chết. Với nội dung như vậy đoạn trích đặt ra rất nhiều vấn đề quan trọng giữa sự hoà hợp giữa thể xác và tâm hồn, về ý nghĩa cuộc sống của con người, về khái niệm sống toàn vẹn.
Đế Thích và Nam Tào tượng trưng cho khuôn phép, luật pháp của xã hội. Đế Thích cho rằng không ai có thể sống toàn vẹn, mỗi người đều phải tuân thủ những quy tắc và những khuôn khổ của xã hội. Nhưng Trương Ba lại khác ông không hề chấp nhận điều này, ông tin rằng con người cần phải được sống trọn vẹn cả phần hồn lẫn phải xác. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi tâm hồn và thể xác hòa nhập thành một khối thống nhất. Nếu sống tầm gửi, sống bám vào thân xác của người khác thì thật tẻ nhạt, buồn chán, như vậy con người cũng sẽ đánh mất chính mình. Bởi thế ông đã từ chối được sống tiếp, chấp nhận cái chết để bảo toàn danh dự, giá trị của bản thân. Cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích xoay quanh những quan niệm của con người về giá trị đích thực của cuộc sống, về thế nào là sống toàn vẹn, những lời khẳng định mạnh mẽ của Trương Ba… đánh dấu cuộc đấu tranh của con người để chống lại những ràng buộc, định kiến của xã hội. Thể hiện khát khao khẳng định cái tôi của mình.
Linh hồn của đoạn trích này là Trương Ba, một nhân vật đã được tác giả tập trung khai thác. Trương Ba mang những nét tính cách điển hình, là tượng trưng cho một bộ phận con người trong xã hội. Họ biết sống với đúng giá trị của mình, quyết không thỏa hiệp, nhượng bộ mà đánh mất đi bản sắc của mình. Dẫu có phải chết thì vẫn kiên định với chính kiến, quan điểm của mình.
Với cách xây dựng tình huống độc đáo, tính kịch được đẩy lên cao trào, xoáy sâu vào các xung đột giữa các nhân vật trong kịch, cách dẫn dắt mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn kịch hợp lý. Đoạn trích: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” có cốt truyện hoàn toàn mang tính tưởng tượng, hư cấu. Kết thúc nhân vật mang tính chất bi kịch thường thấy song hoàn toàn là sự giải thoát phù hợp với tư tưởng, hành động trước đó của nhân vật.