Lời giải Câu 3 trang 47, SGK Ngữ Văn 11, tập một – Củng cố – mở rộng trang 48. Tham khảo: Đọc thêm các tác phẩm bên ngoài kết hợp với những tác phẩm đã học để trả lời câu hỏi.
Câu hỏi/Đề bài:
Tìm đọc thêm một số truyện ngắn của Nam Cao (Lão Hạc, Đời thừa, Bài học quét nhà, Cái chết của con mực,…) và Kim Lân (Con chó xấu xí, Làng,…); từ đó, phân tích những nét nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của từng tác giả.
Hướng dẫn:
Đọc thêm các tác phẩm bên ngoài kết hợp với những tác phẩm đã học để trả lời câu hỏi này.
Lời giải:
* Nam Cao
Ông là một trong những cây bút có đóng góp lớn nhất đối với quá trình phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ông là người luôn có xu hướng viết về nỗi nghèo khổ của người nông dân đương thời và phản ánh sự thối nát của chế độ xã hội. Bởi vậy, truyện ngắn của ông luôn mang giọng điệu buồn thương, chua chát – một nghệ thuật trữ tình sắc lạnh mà sâu sắc. Đặc biệt chúng ta phải kể đến đó là nét nghệ thuật độc đáo trong các tác phẩm của ông.
Trước hết phải kể đến là cách lựa chọn đề tài, chủ đề độc đáo. Nam Cao thường chọn những chủ đề nhỏ nhặt như câu chuyện về cuộc đời của Lão Hạc, Chí Phèo rồi văn Hộ… để làm nội dung cho tác phẩm. Nhưng qua những câu chuyện nhỏ nhặt về cuộc sống, tính cách những nhân vật ấy, ông muốn gửi đến người đọc những bài học ý nghĩa, những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc sống và con người, đồng thời phê phán chế độ xã hội thực dân phong kiến thối nát. Chủ đề chủ yếu mà ông xoay quanh đó là cuộc sống quẩn quanh, bế tắc trong cái đói, cái nghèo như lão hạc; là vấn đề về miếng ăn, cái đói khiến con người từ bỏ tất cả để có được bữa ăn no như bài cái Tý trong “Một bữa no” hay trong “Tư cách mõ”… Tất cả nhằm làm nổi bật nên nỗi bất hạnh, khốn khổ của người nông dân trước cách mạng tháng Tám.
Tiếp đến phải kể đến là cốt truyện vững chắc, kết cấu linh hoạt qua từng chi tiết. Như trong Giăng sáng, Đời thừa, Mua nhà, Sống mòn… tâm tư, tình cảm, thái độ của mỗi nhân vật đều được biểu hiện qua những cử chỉ, hành vi, nét mặt hay qua những lời độc thoại nội tâm đều vô cùng xuất sắc và sắp xếp theo một trình tự hợp lý. Thường thì Nam Cao sẽ thường chú ý tới những chi tiết vặt vãnh, nhỏ bé và cho rằng nó mới là những thứ cần thiết để nói lên nhân cách của một con người, của tác phẩm.
Cuối cùng, phải kể đến đó là nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo. Ông luôn đề cao tư tưởng, chú trọng tới hoạt động bên trong của con người, thể hiện niềm tin vào nhân cách, sự lương thiện của con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bằng việc thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật, ông có thể soi chiếu, miêu tả một cách rõ nhất về những sự việc, biến cố xảy ra trong mỗi câu chuyện một cách rõ nét nhất, giúp người đọc hiểu sâu hơn về tác phẩm.
Như vậy, có thể nói Nam Cao quả là một cây bút lớn của nền văn học Việt Nam bởi lối viết văn chân thực, giản dị, phản ánh những câu chuyện đời thường mà qua đó nhằm truyền tải đến những triết lý nhân sinh sâu sắc.
* Kim Lân
Kim Lân – một trong những cây bút nổi bật khi viết về nông thôn Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn với những tác phẩm bình dị, nhân văn sâu sắc của những người nông dân thật thà, chất phác sống trong thời buổi loạn lạc. Bởi vậy, nghệ thuật kể chuyện của ông luôn là một điều khiến nhiều người chú ý đến.
Trước hết là việc lựa chọn chủ đề, đề tài cho tác phẩm. Các tác phẩm của ông đều hướng về nông thôn – nơi ở của những người nông dân chất phác, giàu tình thương người nhưng cuộc sống thường bất hạnh. Như trong truyện ngắn Làng, đó là hình tượng của một con người yêu quê hương, yêu cái làng của mình nhưng phải tản cư vì địch. Đó là câu chuyện về mối duyên vợ chồng bộp chợt của Tràng và thị… Tất cả đều là những con người nghèo khổ nhưng giàu tình thương người, tình yêu quê hương đất nước dù đang phải chịu đựng chiến tranh, loạn lạc, cái đói hoành hành.
Tiếp đến phải kể đến là nghệ thuật miêu tả chân dung, tâm lý nhân vật qua từng tác phẩm. Các nhân vật của ông đều hiện lên với những tính cách, tâm lý khác nhau được thể hiện qua cử chỉ, hành động và lời nói. Như trong Vợ nhặt, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ hiền từ, nhân hậu, vóc dáng của bà cũng nói lên cuộc đời khổ đau, bất hạnh mà bà đã trải qua. Người mẹ nghèo ấy, dù vậy nhưng vẫn dạt dào tình thương, không chỉ dành cho đứa con trai mà còn là cô con dâu được “nhặt” về. Bà thương cho số phận của hai đứa cũng thương cho chính thân phận mình. Nhưng dù vậy bà luôn hướng các con đến tương lai tươi sáng dù nạn đói vẫn đang hoành hành, hiện hữu. Không quá cầu kỳ về xuất thân, hoàn cảnh, các nhân vật của ông đều hiện lên một cách giản dị nhưng thấm đượm tình người, tình yêu xóm làng (ông Hai trong truyện ngắn Làng) được thể hiện rõ nét qua những nét chấm phá của Kim Lân.
Cuối cùng là nghệ thuật sử dụng ngôn từ độc đáo. Chúng ta không thể phủ nhận rằng ông rất có biệt tài trong việc lựa chọn và vận dụng ngôn từ tuyệt vời với sự kết hợp hài hòa nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, giản dị của ngôn ngữ đồng quê. Như trong truyện ngắn Làng hay Vợ nhặt, ta có thể dễ dàng bắt gặp những từ ngữ miêu tả chân dung nhân vật một cách sáng tạo mà hợp lý như “gà gà”, “nhấp nhỉnh”…
Tóm lại, nhờ vào sự sắc sảo trong lời văn cũng như nhân vật, truyện ngắn của Kim Lân luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về triết lý xã hội sâu sắc về tình người và tình yêu quê hương đất nước. Để từ đó khẳng định song hành cùng những vấn đề về miếng cơm manh áo thì đó là vấn đề tình người và nó mới là yếu tố quan trọng cứu rỗi cuộc đời bất hạnh của mọi người trong thời buổi loạn lạc.