Giải và trình bày phương pháp giải Đề thi học kì 2 Văn 11 Chân trời sáng tạo – Đề số 5 – Đề thi học kì 2 – Đề số 5 – Đề thi đề kiểm tra Văn 11 Chân trời sáng tạo. Đề thi học kì 2 Văn 11 bộ sách Chân trời sáng tạo đề số 5 được biên soạn theo…
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
HỒN TRƯƠNG BA VÀ VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT
(Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)
Tóm tắt vở kịch
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được viết vào năm 1981-1984, dựa theo truyện dân gian “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nội dung có ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc.
Trương Ba là một người làm vườn tốt bụng, nhân hậu, rất cao cờ và thường đấu cờ với Đế Thích. Danh tiếng của ông vang đến tận trời xanh. Tuy nhiên, do sự làm ăn tắc trách mà Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba, khiến ông phải chết oan. Theo gợi ý của Đế Thích, Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào thể xác hàng thịt ngoài ba mươi tuổi mới mất ở làng bên. Trương Ba sống lại và nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ linh hồn trong thể xác hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lý trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cảm thấy xa lạ vì không phải da thịt của người thân mình…, bản thân
Trương Ba thì đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt, Trương Ba nhiễm phải nhiều thói xấu và những nhu cầu vốn không phải của chính bản thân anh vì thân xác của lão hàng thịt. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết theo đúng quy luật sinh – lão – bệnh – tử.
Ở trong kịch bản, Lưu Quang Vũ đã tách rõ từng nghịch cảnh
Đoạn trích sau là cảnh tại nhà hàng thịt (sau khi được sống lại trong xác anh hàng thịt)
(Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya)
HỒN TRƯƠNG BA:
(Tay áo xắn cao, mặt buồn rầu, ném mấy con dao bầu đầm đìa máu vào thùng, nói với vợ người hàng thịt) Con lợn tôi đã xẻ xong, thủ chân giò để trong thúng, thịt xếp trên phản đậy mấy tàu lá chuối, tim gan bầu dục trong cái rổ treo trên quang, chị để ý kẻo mèo chó nó tha..
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
(Mỉm cười) Được rồi, ông khỏi lo… Mà bữa nay ông chọc tiết pha thịt cũng thạo dần rồi đấy!
HỒN TRƯƠNG BA: (Lúng túng) Cũng …cũng tạm!
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Em đã nói với ông rồi: Có khó gì đâu, ông nhỉ? Sức vóc như ông (Cầm tay Trương Ba). Hai bàn tay này vốn nhanh nhẹn tháo vát lắm!
HỒN TRƯƠNG BA: (Bối rối rụt tay lại) Công việc xong, giờ đã khuya, tôi phải về…
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Về! Hôm nào cũng vội vã thế? Ngồi xuống đây với em một lát đã, ông… Bát tiết canh em đánh cho ông, để trên chống, ông đã xơi chưa?
HỒN TRƯƠNG BA: Rồi!
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Cả cút rượu nữa, ông đã uống chứ?
HỒN TRƯƠNG BA: Đã!
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Với đĩa hành sống, em biết ông thích xơi hành sống
HỒN TRƯƠNG BA: Vâng, cám ơn chị.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Cảm ơn khách sáo thế? Mà sao ông cứ gọi em là chị
HỒN TRƯƠNG BA: (Lúng túng) Thôi tôi xin phép…phải về…khuya rồi.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Ngoài kia đang mưa rét, sương gió mịt mờ khắp trời…(Cầm chai rượu dưới gầm để lên bàn). Ông uống nữa đi, thứ rượu tăm say nhưng dịu…em phải cất công đi xa lắm mới mua được (Rốt ra chén). Ông uống với em một chén, em cũng uống (Rót mình). Nào, ông!
(Hồn Trương Ba ngần ngừ nhấp rồi uống cạn)
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: (Uống) Ấm nóng cả người.
HỒN TRƯƠNG BA: (Vội vã đứng dậy) Tôi phải về.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
(Cũng đứng dậy) Ông (Buồn rầu). Ông lại về bên ấy…Còn em thì còn lại một mình, trong gian nhà trống trải này…em sợ…
HỒN TRƯƠNG BA:
(Ái ngại) Chị sợ gì?
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Em sợ…một mình…Ông hãy ở lại lát nữa…một lát nữa thôi…
HỒN TRƯƠNG BA: Khuya quá rồi, không tiện, chị Hợi ạ.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là … Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một mình?
HỒN TRƯƠNG BA:
Hiểu tình cảnh chị neo đơn vất vả, tôi đã không nề hà gì công việc hàng họ, thịt thà…
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Em không cần thịt thà.. Trước thì em cũng cần đấy, nhưng bây giờ em không thiết nữa! Em không thể sống thế này mãi được! Em đâu đáng phải chịu sự hững hờ của ông…Em là vợ ông!
HỒN TRƯƠNG BA:
(Khổ sở) Chị, chị phải biết rằng tôi không phải là chồng chị, không phải là anh Hợi. Hơn ai hết, chị biết rõ điều đó.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
(Sau một hồi im lặng) Em biết, em biết chứ! Chính vì vậy mà em càng thương quý ông. Em đi lấy chồng năm mười sáu tuổi. Suốt mười năm sống bên chồng, em chưa hề biết một lời nói dịu dàng, một cử chỉ ân cần…Ngoài chuyện buôn bán lừa lọc, ông ấy chỉ biết ăn, ngủ và say rượu…Cả ban đêm, khi gần gũi vợ, ông ấy cũng say khướt. Rồi những trận đòn tàn tạ.(Vợ người hàng thịt nhắm mắt lại, trước mắt chị như hiện ra cảnh tượng cũ: Xác người hàng thịt mang hồn Trương Ba vụt trở về anh hàng thịt đang khật khưỡng ngồi uống rượu, tay gắp miệng nhai nhồm nhoàm. Rồi anh ta loạng choạng đứng dậy, hùng hổ trỏ tay vào mặt vợ. Chị vợ sợ hãi lùi dần. Anh hàng thịt vung nắm tay. Chị vợ kêu lên. Chị mở bừng mắt ra: Trước mặt chị lại là Anh hàng thịt mang hồn Trương Ba điềm tĩnh hiền hậu).
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Giờ đây, ở bên em, vẫn là hình vóc ấy, khuôn mặt ấy nhưng tất cả đều đã khác… Lần đầu tiên em được biết thế nào là những lời thanh tạo hiền hậu, những cử chỉ nhã nhặn ân cần. Lần đầu tiên em thấy mình được quý trọng…
HỒN TRƯƠNG BA: Kìa, chẳng phải là chị đã khóc thương tiếc ông nhà đó sao?
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Đúng! Không phải em ghét bỏ gì con người cũ của chồng em. Em đã chịu ơn ông ấy, thuộc về ông ấy, than khóc khổ sở khi ông ấy mất nhưng chỉ từ khi ông tới, hay nói đúng hơn từ khi hồn ông nhập vào thân xác chồng em, em mới biết trước kia em thiếu những gì, em mới biết lâu nay em chưa hề được sống lại thời con gái, nỗi sướng vui… Em cảm tạ Trời Phật đã cho hồn ông nhập vào hình vóc quen thuộc này! (Cầm hai bàn tay Hồn Trương Ba). Em không ao ước gì hơn nữa! Người chồng toàn vẹn của em đây! Người em đã từng mong đợi xưa kia đây! Anh đừng e ngại nữa, em là của anh.. (ôm lấy Trương Ba thắm thiết, say sưa). Đôi cánh tay này đã bao lần ghì chặt lấy em đến nỗi em phát sợ nhưng bây giờ đã khác trước, anh nhỉ? (gục mặt vào ngực hồn Trương Ba).
(Như bị một sức mạnh ghê gớm kéo đi, hồn Trương Ba cũng ôm lấy vợ người hàng thịt, vuốt ve đôi vai và cánh tay mạnh mẽ của chị ta)
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
(Vuốt tóc Trương Ba) Em sẽ săn sóc hầu hạ anh, tận tụy với anh mãi. Anh ơi, chúng ta hãy rời bỏ nơi này, vứt bỏ tất cả, không còn hồn Trương Ba, xác hàng thịt gì nữa, chỉ còn em với anh… Chúng ta hãy trốn đi, tới một nơi nào đó không còn ai biết quá khứ của chúng ta nữa, không còn lão Lý trưởng, không còn những thằng lái lợn, không có cả gã con trai gian xảo của anh..
Chúng ta sẽ đi ngay ngày mai, băng qua mấy cánh đồng, là sẽ tới bến Tằm, ta sẽ xuống đò xuôi ở đó…
HỒN TRƯƠNG BA:
(Như sực tỉnh) Bến Tằm? (Ngơ ngác rồi bàng hoàng buông vợ người hàng thịt ra, đứng bật dậy) Bến Tằm… đêm hát đối… Mình…trời ơi, ta đang làm gì thế này? (Nhìn lại đôi tay mình, sợ hãi) Không! Không (Lùi xa vợ người hàng thịt) Cái đốm sáng mong manh nào trong ta vừa chợt loé lên? Vái linh hồn của ta, hãy trở lại với ta, Trương Ba…ta là Trương Ba.. Mình ơi! Tôi đã làm gì? (Ôm mặt) Bà nó ơi!
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Kìa! Anh! (Đến bên Trương Ba nhìn vừa đắm đuối vừa năn nỉ). Anh!
HỒN TRƯƠNG BA:
(Lắc đầu) Không! Đừng! Hãy tha cho tôi! Tôi van chị! (Như sợ mình không thắng nổi sự cám dỗ, lùi dần ra cửa) Không! (Chạy đi)
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: (Gục xuống nức nở) Anh!
(Đèn tắt, chuyển cảnh)
(Hồn Trương Ba da hàng thịt – Tôi và chúng ta, Lưu Quang Vũ, Nxb Kim Đồng 2010)
Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn người Việt Nam. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn, in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng làm sôi động sân khấu Việt Nam thời kì đó
Trả lời câu hỏi:
Câu 1: (Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya) là thành phần nào của kịch bản, có hình thức như thế nào, đảm nhiệm chức năng gì ở lớp kịch?
Câu 2: Đọc đoạn sau và cho biết: Người vợ hàng thịt mong muốn điều gì? Vì sao chị lại bỏ lửng lời nói ở dấu ba chấm trong lời của mình?
Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về, đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là… Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một mình?
Câu 3: Nêu suy nghĩ, tình cảm của em dành cho nhân vật Hồn Trương Ba
Câu 4: Trích đoạn kịch Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt đã tác động như thế nào tới suy nghĩ, tình cảm của em?
Câu 5: Theo em, đọc kịch bản văn học, độc giả có được những trải nghiệm gì mà khi xem vở kịch không thể có được?
II. VIẾT (4đ)
Câu 1. Với kịch bản Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt, em nhận thấy tác giả Lưu Quang Vũ đặt ra những vấn đề nào? Em hãy điền các từ khóa của vấn đề đó vào sơ đồ sau đây
Câu 2. Lựa chọn một vấn đề mà em cho là thiết thực nhất và viết bài luận thể hiện hiểu biết, quan điểm của mình về vấn đề đó
Yêu cầu thực hiện: HS tự đặt tiêu đề và từ triển khai văn bản (dài từ 1,5 – 2 trang)
—–Hết—–
– Học sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 (1 điểm)
Câu 1: (Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya) là thành phần nào của kịch bản, có hình thức như thế nào, đảm nhiệm chức năng gì ở lớp kịch? |
Hướng dẫn:
Nhớ lại các thành phần của kịch bản sân khấu và tác dụng
Lời giải:
Chỉ dẫn sân khấu, in nghiêng trong ngoặc đơn: thời gian, nhân vật của lớp kịch
Câu 2 (1 điểm)
Câu 2: Đọc đoạn sau và cho biết: Người vợ hàng thịt mong muốn điều gì? Vì sao chị lại bỏ lửng lời nói ở dấu ba chấm trong lời của mình? Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về, đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là… Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một mình? |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ đoạn kịch
Nhớ lại kiến thức về tác dụng của dấu ba chấm
Lời giải:
Muốn hồn Trương Ba ngủ lại nhà mình; Vì ngại ngùng
Câu 3 (1 điểm)
Câu 3: Nêu suy nghĩ, tình cảm của em dành cho nhân vật Hồn Trương Ba |
Hướng dẫn:
Chú ý những chi tiết, lời thoại thể hiện cảm xúc, con người nhân vật Hồn Trương Ba
Nêu cảm nhận của bản thân
Lời giải:
– HS thể hiện góc nhìn, cảm xúc riêng của bản thân
– Gợi ý: Xác định vẻ đẹp của nhân vật; cảnh ngộ của nhân vật… Để từ đó, thể hiện sự trân trọng, sự cảm thông…
Câu 4 (1.5 điểm)
Câu 4: Trích đoạn kịch Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt đã tác động như thế nào tới suy nghĩ, tình cảm của em? |
Hướng dẫn:
HS nêu cảm xúc, suy nghĩ của bản thân
Lời giải:
Gợi ý: Hướng về nỗi khao khát của người vợ hàng thịt để thấy được giá trị mà con người ở tầng lớp nào cũng luôn hướng tới; hành xử, bi kịch của Hồn Trương Ba… để điều chỉnh hành vi bản thân
Câu 5 (1.5 điểm)
Câu 5: Theo em, đọc kịch bản văn học, độc giả có được những trải nghiệm gì mà khi xem vở kịch không thể có được? |
Hướng dẫn:
Đưa ra trải nghiệm của bản thân
Lời giải:
– Được hiểu rõ cốt truyện, tưởng tượng diễn xuất của nhân vật qua ngôn từ của kịch bản
– Chỉ dẫn sân khấu giúp độc giả hiểu sâu hơn tâm trạng, cảm xúc của nhân vật
– Có thể đọc lại, suy ngẫm những ngôn từ đặc sắc diễn tả tâm trạng nhân vật, chuyển tải những triết lý, giá trị văn hóa…
II. VIẾT (4đ)
Câu 1 (1 điểm)
Với kịch bản Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt, em nhận thấy tác giả Lưu Quang Vũ đặt ra những vấn đề nào? Em hãy điền các từ khóa của vấn đề đó vào sơ đồ sau đây |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản
Tóm tắt văn bản bằng các từ khóa và sơ đồ hóa
Lời giải:
Câu 2 (3 điểm)
Lựa chọn một vấn đề mà em cho là thiết thực nhất và viết bài luận thể hiện hiểu biết, quan điểm của mình về vấn đề đó Yêu cầu thực hiện: HS tự đặt tiêu đề và từ triển khai văn bản (dài từ 1,5 – 2 trang) |
Hướng dẫn:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn
Lời giải:
Luận đề/ Vấn đề nghị luận |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0.25 |
– Nêu, giới thiệu luận đề/ vấn đề nghị luận – Thái độ của người viết đối với luận đề |
Thân bài |
2.0 |
– Mô tả/ thuyết minh ngắn gọn về luận đề – Phân tích biểu hiện của vấn đề/ luận đề – Thái độ/ tình cảm đối với đối tượng (hiện tượng/ con người) – Đề xuất một số giải pháp khả thi |
Kết bài |
0.5 |
– Thái độ của bản thân trước luận đề (đồng tình/ phản đối) – Nhận thức và hành động của bản thân |
Yêu cầu khác |
0.25 |
– Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận) – Dẫn chứng đa dạng phù hợp với lí lẽ, ý kiến |