Lời giải Mở đầu trang 102 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống – Bài 16. Quyền và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc. Tham khảo: Dựa vào kiến thức thực tế của bản thân để chia sẻ hiểu biết về trách nhiệm bảo vệ Tổ.
Câu hỏi/Đề bài:
Hãy chia sẻ những hiểu biết của em về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của công dân.
Hướng dẫn:
Dựa vào kiến thức thực tế của bản thân để chia sẻ hiểu biết về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của công dân.
Lời giải:
(*) Tham khảo:
Bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân
Dựng nước đi liền với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc, đó là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước Việt Nam. Qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử, các thế hệ người Việt Nam luôn biết tiếp nối truyền thống cha ông, chung sức, đồng lòng bảo vệ đất nước trước các thế lực ngoại xâm. Quy luật đó vẫn đúng, dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc chỉ có thể được bảo toàn trọn vẹn khi có sự tham gia, vào cuộc của toàn dân.
Điều 45, Hiến pháp năm 2013 của nước ta khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Như vậy, mọi công dân, không phân biệt thành phần, dân tộc, giới tính đều có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà bảo vệ Tổ quốc cũng chính là bảo vệ cuộc sống hòa bình của nhân dân; bảo vệ sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa… Nội hàm bảo vệ Tổ quốc đã được mở rộng và bao quát mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mỗi công dân tùy theo khả năng của mình đều có nghĩa vụ tham gia vào các công việc bảo vệ Tổ quốc. Điều 44, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rất rõ: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.