Trang chủ Lớp 11 Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 - Kết nối tri thức Câu hỏi mục 1c trang 78 Giáo dục Kinh tế và pháp...

Câu hỏi mục 1c trang 78 Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức: Các tôn giáo bình đẳng với nhau về trách nhiệm pháp lí biểu hiện như thế nào trong thông tin 3?

Giải chi tiết Câu hỏi mục 1c trang 78 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống – Bài 12. Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo. Tham khảo: Đọc thông tin 3 và nêu biểu hiện các tôn giáo bình đẳng với nhau về trách nhiệm pháp.

Câu hỏi/Đề bài:

Em hãy đọc những thông tin sau để trả lời câu hỏi:

1/ Các tôn giáo bình đẳng với nhau về trách nhiệm pháp lí biểu hiện như thế nào trong thông tin 3?

2/ Theo em người có tôn giáo và người không có tôn giáo nếu có hành vi vi phạm pháp luật giống nhau thì có bị xử lí giống nhau không? Vì sao?

3/ Em hãy nêu một số quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các tôn giáo về trách nhiệm pháp lí và cho ví dụ minh hoạ.

Hướng dẫn:

1/ Đọc thông tin 3 và nêu biểu hiện các tôn giáo bình đẳng với nhau về trách nhiệm pháp lí trong thông tin đó.

2/ Phân tích trường hợp người có tôn giáo và người không có tôn giáo nếu có hành vi vi phạm pháp luật giống nhau thì có bị xử lí giống nhau không và giải thích.

3/ Nêu được một số quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các tôn giáo về trách nhiệm pháp lí và lấy ví dụ minh hoạ.

Lời giải:

1/ Biểu hiện các tôn giáo bình đẳng với nhau về trách nhiệm pháp lí trong thông tin 3:

Việc chính quyền thành phố đã yêu cầu cả hai cơ sở tôn giáo T và N phải tạm dừng sinh hoạt tôn giáo trong thời gian có dịch bệnh lây lan và xử phạt hành chính đối với cả hai cơ sở tôn giáo này là thể hiện sự bình đẳng giữa các tôn giáo về trách nhiệm pháp lí.

2/ Người có tôn giáo và người không có tôn giáo nếu có hành vi vi phạm pháp luật giống nhau sẽ bị xử lí giống nhau. Bởi pháp luật Việt Nam quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì cũng đều bình đẳng trước pháp luật trong việc phải chịu trách nhiệm pháp lí, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.

3/ Một số quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các tôn giáo về trách nhiệm pháp lí

– Điều 64 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về việc Xử lí vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

– Một số quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017):

+ Điều 164. Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác (Trích)

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lí kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

+ Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Trích)

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Ví dụ: Anh H là người theo đạo Thiên Chúa, anh K theo đạo Phật. Hai anh bị bắt quả tang về hành vi trộm cắp tài sản của người dân. Khi đưa ra tòa án xét xử thấy hai người cùng thực hiện hành vi như nhau, cùng hỗ trợ thực hiện hành vi trộm cắp nên cùng chịu mức án như nhau và phải bồi thường cho người bị hại.