Hướng dẫn giải Câu hỏi mục 2 trang 151 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo – Bài 20. Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận – báo chí và tiếp cận thông tin. Gợi ý: Đọc thông tin, trường hợp và chỉ ra hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp.
Câu hỏi/Đề bài:
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
THÔNG TIN
Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lí kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.”
Trường hợp 1
Qua công tác kiểm tra, Đội Quản lí thị trường số 10 (Chi cục Quản lí thị trường thành phố H) đã niêm phong và tịch thu hơn hai tấn xúc xích của Công ty V vì cho rằng trong sản phẩm của công ty này có chất Sodium nitrate 251 có thể gây ung thư. Thông tin này được ông M (nhân viên Công ty V) cung cấp cho báo chí và đăng tải khá nhiều. Tuy nhiên, không lâu sau đó, các cơ quan chuyên môn đã kết luận chính thức rằng Sodium nitrate 251 là chất phụ gia thực phẩm an toàn. Cơ sở này được minh oan, nhưng vì những thông tin sai sự thật được đăng tải trên báo chí trước đó nên công ty không thể tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù nỗ lực, Công ty V chỉ khôi phục được khoảng 20% sản lượng hàng bán ra so với giai đoạn trước đó, gây thiệt hại hàng tỉ đồng doanh thu.
Trường hợp 2
Do có mâu thuẫn với A từ trước nên B đã đăng tải nhiều bài viết bịa đặt, nói xấu A trên mạng xã hội vì cho rằng mình có quyền tự do ngôn luận, do vậy có thể đăng bài viết với bất kì nội dung nào. A phát hiện sự việc, yêu cầu B xoá bài đăng và xin lỗi mình nhưng B không thực hiện.
– Chỉ ra hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp 1, 2.
– Em hãy xác định và phân tích hậu quả do hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp 1, 2 gây ra.
Hướng dẫn:
– Đọc thông tin, trường hợp và chỉ ra hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp 1, 2.
– Xác định và phân tích hậu quả do hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp 1, 2 gây ra.
Lời giải:
– Hành vi vi phạm trong các trường hợp:
+ Trường hợp 1: Ông M đã cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa được sự kiếm chứng của cơ quan chức năng có thẩm quyền về sản phẩm xúc xích của Công ty V sử dụng chất phụ gia có thể gây ung thư.
+ Trường hợp 2: B đã đăng tải nhiều bài viết bịa đặt, nói xấu A trên mạng xã hội; khi bị A phát hiện, yêu cầu B xóa bài đăng và xin lỗi nhưng B không thực hiện.
– Hậu quả do hành vi vi phạm của các nhân vật gây ra:
+ Trường hợp 1: Công ty V chi khôi phục được khoảng 20% sản lượng hàng bán ra so với giai đoạn trước đó, gây thiệt hại hàng tỷ đồng doanh thu.
+ Trường hợp 2: Gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của A.