Trả lời Câu hỏi mục 1c trang 73 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo – Bài 10. Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật. Gợi ý: Nêu được biểu hiện của quyền bình đẳng của công dân về trách nhiệm pháp lí.
Câu hỏi/Đề bài:
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi
THÔNG TIN
– Điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Xử lí vi phạm Hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)quy định: “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan,đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”.
– Điểm a, b khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: – “1. Đối với người phạm tội:
a. Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lí nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
b. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.”
Trường hợp
Theo báo cáo của Toà án nhân dân huyện Y, trong năm 2022, tất cả những vụ án, quyết định của toà án đều được xét xử khách quan, công bằng và nghiêm minh. Người phạm tội bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện Y.
– Theo em, quyền bình đẳng của công dân về trách nhiệm pháp lí biểu hiện như thế nào?
– Theo em, người phạm tội bình đẳng trước pháp luật có phải là biểu hiện của bình đẳng về trách nhiệm pháp lí của công dân không? Vì sao?
Hướng dẫn:
– Nêu được biểu hiện của quyền bình đẳng của công dân về trách nhiệm pháp lí.
– Phân tích trường hợp người phạm tội bình đẳng trước pháp luật có phải là biểu hiện của bình đẳng về trách nhiệm pháp lí của công dân không và giải thích vì sao.
Lời giải:
– Công dân bình đẳng về trách nhiệm pháp lí: Mọi công dân khi thực hiện những hành vi trái pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lí do hành vi của mình gây ra. Những lỗi vi phạm với mức độ như nhau, đối tượng như nhau thì sẽ chịu trách nhiệm như nhau. Nếu công dân có mức độ vi phạm khác nhau, tính chất và hành vi khác nhau sẽ phải chịu mức trách nhiệm pháp lí phù hợp.
– Theo em, người phạm tội bình đẳng trước pháp luật là bình đẳng về trách nhiệm pháp lí. Công dân dù ở địa vị nào, làm nghề gì, khi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật (trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự, kỉ luật). Công dân vi phạm pháp luật với tính chất và mức độ như nhau đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau. Cụ thể: Tòa án nhân dân huyện Y đã xét xử khách quan, công bằng và nghiêm minh. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.