Đáp án Câu hỏi mục 1 trang 129 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo – Bài 17. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể – được pháp luật bảo hộ về tính mạng – sức khỏe – danh dự và nhân phẩm. Gợi ý: Đọc các trường hợp và phân tích việc làm của nhân vật trong các trường hợp trên có phù.
Câu hỏi/Đề bài:
Em hãy đọc thông tin sau, trường hợp sau và trả lời câu hỏi
THÔNG TIN 1
Khoản 1, 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.”
THÔNG TIN 2
– Điều 33 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.”
– Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Toà án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.”
– Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khoẻ của con người.”
Trường hợp 1
Chị H đang đi xe đạp trên phần đường dành cho xe thô sơ thì bị anh K điều khiển xe gắn máy đi ngược chiều gây tai nạn. Hành vi của anh K làm hư hỏng xe đạp của chị H và khiến chị bị gãy tay.
Trường hợp 2
Do chị D thường xuyên bị ông M, lãnh đạo cơ quan gây khó khăn trong công việc nên anh T, chồng chị D đã viết bài đăng trên một trang thông tin điện tử xuyên tạc việc ông M sử dụng ngân sách của đơn vị sai mục đích. Ông M nhờ chị V là Chủ tịch Công đoàn khuyên vợ chồng chị D nên cải chính nội dung bài viết nhưng chị D từ chối.
– Theo em, việc làm của nhân vật trong các trường hợp trên có phù hợp với quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm không? Vì sao?
– Em biết các quy định nào khác của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm?
Hướng dẫn:
– Đọc các trường hợp và phân tích việc làm của nhân vật trong các trường hợp trên có phù hợp với quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm không và giải thích.
– Nêu được các quy định khác của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
Lời giải:
– Nhận xét việc làm của các nhân vật trong từng trường hợp:
+ Trường hợp 1: Hành vi điều khiển xe gắn máy đi ngược chiều của anh K vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây thiệt hại về sức khỏe cho chị H. Đây là hành vi không phù hợp với quy định pháp luật về quyền được bảo hộ về sức khỏe.
+ Trường hợp 2: Hành vi viết bài đăng trên trang thông tin điện tử xuyên tạc việc ông M sử dụng ngân sách của đơn vị sai mục đích của chồng chị D và hành vi từ chối cải chính nội dung bài đăng khi được Chủ tịch Công đoàn khuyên là hành vi gây thiệt hại đến danh dự, uy tín của ông M. Đây là hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật về quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm.
– Các quy định khác của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm:
+ Điều 19 Hiến pháp năm 2013.
+ Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền riêng tư.
+ Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021).
+ Các Điều 123, Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
+ Điều 130 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động.