Trang chủ Lớp 10 Văn lớp 10 Văn mẫu 10 - Kết nối tri thức Mẫu 1 Phân tích bài thơ Thu hứng Văn mẫu 10

Mẫu 1 Phân tích bài thơ Thu hứng Văn mẫu 10

Đáp án Mẫu 1 Phân tích bài thơ Thu hứng – Văn mẫu 10 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Lời giải:

Thơ Đường vốn nghiêm ngặt về niêm, luật, bố cục. Song những quy luật khắt khe ấy không hề trói buộc được các bậc thánh thi như Đỗ Phủ. Dưới ngòi bút của ông, bài thơ vừa tuân thủ niêm luật chặt chẽ, lại vừa bay bổng tự do tạo nên vẻ đẹp đa dạng giống như vẻ đẹp của viên ngọc được soi rọi từ nhiều phía khác nhau. Bài Thu hứng không nằm ngoài đặc điểm trên.

Theo luật Đường thi, một bài thơ thất ngôn phải có bố cục 4 phần: Đề, thực, luận, kết. Bài Thu hứng cũng có bố cục 4 phần chặt chẽ. Hai câu đề giới thiệu khái quát cảnh Vu Sơn, Vu Giáp. Hai câu thực tả chi tiết cảnh núi Vu, kẽm Vu. Hai câu luận là nỗi lòng nhớ quê của tác giả nảy sinh khi ngắm cảnh trên. Hai câu kết trở lại một nét sinh hoạt bình thường nhưng đã trở thành một hình ảnh giàu sức gợi cảm trong thơ Đường: Cảnh giặt áo mùa thu. Cảnh này tô đậm thêm nỗi lòng nhớ quê gợi ra trong hai câu luận khiến bài thơ khép lại về chữ nghĩa nhưng lại mở ra về nội dung trong tâm hồn người đọc.

Xét theo nội dung miêu tả chung, bài Thu hứng lại có bố cục hai phần: Bốn câu đầu tả cảnh, cảnh núi sông của vùng Quỳ Dân, thượng nguồn Trường Giang, nơi Đỗ Phủ lạc tới vì chạy giặc An Lộc Sơn. Bốn câu dưới là tả tình, tình của kẻ lữ thứ tha hương. Cảnh và tình ấy tạo nên sự thống nhất của bài thơ.

Bốn câu đầu bài thơ tả cảnh mùa thu

Trước tiên đây là cảnh mùa thu của một nơi xác định. Người đọc biết được rằng đây là tả cảnh vùng Quỳ Dân trước thượng nguồn sông Trường Giang. Không chỉ ở địa danh Vu Sơn, Vu Giáp được nhắc tới ở câu thứ hai mà chính là ở cảnh vật đặc trưng do vùng này được miêu tả trong bài thơ. Đó là cảnh rừng phong sương móc trắng, là cảnh kẽm Vu vách núi dựng đứng khí trời mù mịt, là núi Vu cao vút hiểm trở. Cả một bức tranh phong cảnh hùng vĩ mà âm u hiện ra qua ngòi bút Đỗ Phủ. Bức tranh này có lớp lang chặt chẽ, hiện dần theo bước chân người. Thoạt đầu là cảnh rừng phong trắng sương mù. Vượt qua cánh rừng này, Vu Sơn, Vu Giáp hiện ra qua một nét phác họa chung ở câu thơ thứ hai. Câu thứ ba, thứ tư đặc tả hai cảnh tiêu biểu nhất của núi Vu. Như vậy, bức tranh có toàn cảnh và cận cảnh, có bao quát và chi tiết chứng tỏ một ngòi bút miêu tả điêu luyện, linh hoạt.

Cái thần của bức tranh chính là cảm xúc tác giả gửi trong từng nét vẽ lan tỏa vào lòng người đọc. Câu thơ thứ nhất bảy chữ, có hai chi tiết miêu tả, chi tiết nào cũng gợi nỗi buồn, từ cái lạnh lẽo của màu trắng xóa của sương móc bao phủ khắp nơi, từ cái tang thương của rừng phong tiêu điều. Còn cái hiu hắt của nơi thu ở câu thứ hai càng làm tôn lên nỗi buồn bàng bạc thấm đượm trong câu trên. Hai câu thơ, ba chi tiết miêu tả, nỗi buồn ngày càng rộng càng sâu khiến cho cảnh vật hùng vĩ mà đau buồn, bí hiểm mà u hoài. Tới hai câu ba bốn, cảnh vật vừa có sự nhất quán với hai câu trên, vừa có sự phát triển. Trong khi đặc tả núi Vu, kẽm Vu, mỗi nơi tác giả tả một chi tiết, nhưng cảnh vật sống động hẳn lên. Sóng thi “lãng kiêm thiên dũng” (vọt lên tận lưng trời) vừa vẽ lên chiều cao thăm thẳm của kẽm Vu, vừa tạo sự chuyển động dữ dội, mạnh mẽ. Cảnh đám mây “Sa sầm giáp mặt đất” không chỉ tả được cái độ cao của cửa ải trên núi Vu mà còn vẽ được sự giận dữ của mây, của núi sông và trời, mây và núi không còn trong trạng thái tĩnh lại, u hoài như cảnh vật hai câu thơ trên mà đang chuyển động với một nội lực lớn lao, tạo nên vẻ đẹp hoành tráng cho bức tranh. Hai nền cảnh đó bổ xung cho nhau, tạo nên sự thống nhất đa dạng của cảm xúc toát ra từ bức tranh: trầm uất và bi tráng. Đó cũng là phong cách thơ Đỗ Phủ ở giai đoạn cuối đời. Đứng trước cảnh sắc ấy, một người giàu tình cảm như Đỗ Phủ làm sao không nhớ quê được.

Chính sự vận động nội tại đó, bốn câu thơ sau xuất hiện thật tự nhiên, hợp lẽ. Bốn câu thơ sau tả tình nhưng không xa rời cảnh, tình và cảnh quấn quýt với nhau. Hai câu thơ 5,6 biểu hiện sinh động lòng nhớ quê với nhiều thủ pháp sinh động. Trong câu 5, tình và cảnh như thống nhất: hoa cúc nở mà trông như cảnh hoa bằng trước mắt hư ảo, chập chờn. Hiện tại và quá khứ như nối liền: “giọt lệ ngày trước” bỗng rơi cùng giọt lệ hôm nay. Cái trục nối liền ấy, tạo ra sự đồng nhất, đó là hai chữ “lưỡng khai” với nhiều nghĩa hàm ẩn, khiến cho hình ảnh cúc và lệ trở nên đa nghĩa. Hình ảnh con thuyền trong câu 6 cũng được tạo nên cùng một cảnh như hình ảnh ở câu 5. Chữ “cố” cũng tạo nên nghĩa hàm ẩn: vừa là buộc con thuyền lẻ loi nơi nhà thơ đang sống ở lại nơi đây, vừa có nghĩa là thắt lại, gói lại nỗi lòng thương nhớ quê.

Những cảm xúc dồn dập được miêu tả trong câu 5, 6 tưởng như sẽ được tả trực tiếp và nâng cao hơn ở hai câu kết. Nhưng đến đây, bài thơ bỗng từ tả tình chuyển sang tả cảnh sinh hoạt ngoài đời. Cảnh mọi người nhộn nhịp may áo rét, giặt giũ áo cũ. Tưởng như hai cảnh này không ăn nhập với tình kia, tưởng như ý bài thơ bị lạc, song không phải như vậy. Đây là một thủ pháp dồn nén tình cảm vào bên trong hình ảnh để cho lời thơ ý thơ thêm sâu sắc hơn, có sức rung động mạnh hơn đối với người đọc. Âm thanh đập áo vốn đã là một âm thanh có sức gợi cảm lớn trong thơ cổ Trung Quốc, gợi nhớ tới người thân đi xa, diễn tả một nỗi lòng nhớ thương chờ đợi. Bạch Cư Dị đã tả nỗi lòng của người thiếu phụ sau khi đêm tháng tám, tháng chín nghe tiếng chày đập lụa mà “sáng ta e bạc cả đầu”. Cho nên sự xuất hiện tiếng chày trong bóng chiều tà ở đây tạo nên một dư âm vang vọng cho cả bài thơ.

Nỗi nhớ quê tha thiết của Đỗ Phủ trong một mùa thu tao loạn được bộc lộ trong bài thơ này không chỉ là tâm trạng của một người? Nó là nỗi lòng của trăm họ đang lầm than vì cảnh chiến tranh, giặc giã liên miên nên nhà thơ đang phải từ giã quê hương, phiêu bạt nơi góc biển chân trời.