Trang chủ Lớp 10 Văn lớp 10 Văn mẫu 10 - Kết nối tri thức Câu tham khảo Mẫu 3 Viết bài luận thuyết phục người khác...

Câu tham khảo Mẫu 3 Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen kì thị người tàn tật Văn mẫu 10: Theo báo cáo thống kê vào tháng 12 năm 2022, ở Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, đó là con số không hề nhỏ

Đáp án Câu tham khảo Mẫu 3 Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen kì thị người tàn tật – Văn mẫu 10 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Theo báo cáo thống kê vào tháng 12 năm 2022, ở Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, đó là con số không hề nhỏ. Cộng đồng người khuyết tật trên thực tế vẫn là những thành viên có đóng góp, có giá trị riêng và những cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, sự kì thị, phân biệt đối xử mà họ gặp phải lại rất phổ biến. Đây là thói quen của rất nhiều cá nhân, tổ chức cần phải sớm được loại bỏ.

Người khuyết tật là những người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể, hay bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho đời sống sinh hoạt, học tập, lao động gặp khó khăn. Vì những khác biệt đó mà họ thường xuyên phải chịu sự kì thị. Kì thị là cách phản ứng tiêu cực của cá nhân hay xã hội đối, sự loại trừ, cô lập những người có đặc điểm không được phần đông trong xã hội chấp nhận. Sự kì thị được biểu hiện không chỉ ở hành động mà từ trong suy nghĩ, quan điểm của cá nhân hay tổ chức. Kì thị người khuyết tật là sự phân biệt đối xử nhằm tách biệt hay hạn chế cơ hội giao lưu, tiếp xúc bình đẳng vốn có của người khuyết tật với cộng đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ, sự kì thị với người khuyết tật. Trong đó phải kể đến những quan niệm sai lệch mang yếu tố mê tín, dị đoan: người khuyết tật bị xem là sự trừng phạt cho tội lỗi mà người nhà họ kiếp trước đã phạm phải. Nhiều người có nhận thức sai lệch, thiếu đúng đắn về người khuyết tật, chẳng hạn cho rằng người khuyết tật là dị biệt, là những người không có học thức, vô tích sự,… Đồng thời, các công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về người khuyết tật và các quyền lợi của họ vẫn chưa thực sự sâu rộng và đạt hiệu quả. Ngoài ra, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ chính những người khuyết tật, có những người đã lợi dụng lòng tốt của cộng đồng, xã hội để chuộc lợi, nhận hỗ trợ mà không cần bỏ ra sức lao động.

Dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào, việc kì thị người khuyết tật cũng là hành vi đáng lên án, cần phải loại bỏ bởi nó đem lại rất nhiều hệ lụy. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc người khuyết tật không thể hòa nhập vào các hoạt động chung của cộng đồng, làm hạn chế cơ hội của họ, bao gồm cả cơ hội sống, học tập, lao động, giải trí và cả cơ hội tình yêu, hạnh phúc, hôn nhân – gia đình,… Trong thời kì dịch bệnh Covid-19, một số địa phương chậm trễ trong công tác tiêm vacxin cho đối tượng người khuyết tật, cho đến khi đại đa số mọi người đã được tiêm, chính phủ ra yêu cầu rà soát từng nhà, khi đó mới đến lượt họ, nhiều cá nhân sau khi bị “bỏ quên” đã có thái độ tiêu cực, bất cần, từ chối hợp tác và nhận vacxin vì cảm thấy bất bình đẳng. Một dẫn chứng khác: trong trường học không tiếp nhận, không đào tạo hoặc không có dụng cụ và phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh khuyết tật,… Điều này dẫn đến kết quả tất yếu là họ không thể tiếp cận và tham gia vào giáo dục hay theo cùng cách mà học sinh không khuyết tật được hưởng; từ đó học sinh khuyết tật đã bị mất cơ hội học tập để chuẩn bị cho tương lai sau này. Việc kì thị này đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người khuyết tật, đặc biệt về mặt tinh thần, khiến họ ngày càng mặc cảm, tự ti thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát.

Vì lẽ đó, chúng ta cần phải học cách từ bỏ thói quen kì thị người khuyết tật. Làm được điều đó sẽ giúp cho những người kém may mắn ấy có thể tự tin, mạnh mẽ hơn, sẵn sàng để đón nhận tình cảm, sự yêu thương từ cộng đồng, có động lực để cố gắng vượt lên nghịch cảnh, có thể lo cho cuộc sống của mình và đóng góp một phần công sức cho xã hội. Khi chúng ta loại bỏ được sự kì thị ấy, bản thân cũng sẽ có cái nhìn cởi mở, tích cực hơn, biết yêu đời, yêu người, dần trở nên thanh thản, hạnh phúc. Nhiều cá nhân cùng thay đổi theo hướng tích cực, xã hội sẽ dần xóa bỏ sự kì thị với người khuyết tật, cuộc sống cũng dần trở nên bình đẳng, tốt đẹp hơn.

Để từ bỏ thói quen không tốt này, chúng ta có thể bắt đầu từ những hành động rất đơn giản, hãy chủ động tìm hiểu, tiếp nhận thông tin về cộng đồng người khuyết tật, nhìn vào những đóng góp của họ cũng như những khó khăn, sự kì thị, phân biệt đối xử mà họ đã phải trải qua. Khi đó, chúng ta sẽ dần thay đổi tư duy, cách nhìn nhận của bản thân. Người khuyết tật cũng có những hiệp hội, những câu lạc bộ rất lớn mà ở đó, họ giúp đỡ, nương tựa vào nhau, cùng nhau tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng. Chúng ta cũng có thể tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm hỗ trợ người khuyết tật để hiểu và cảm nhận rõ hơn về cuộc sống của họ, giúp họ tăng cường cơ hội giao tiếp xã hội, nâng cao hiểu biết về quyền của người khuyết tật,… Mỗi cá nhân bắt đầu thay đổi, dần dần xã hội sẽ thay đổi.

Dù có những khiếm khuyết nhưng những người khuyết tật vẫn là con người với đầy đủ quyền được sống, được hạnh phúc, họ cũng không ngừng nỗ lực vì cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Chúng ta sinh ra được may mắn hơn, không nên vì thế mà dành cho họ những sự đối xử không tốt. Kì thị người khuyết tật hay cả trong suy nghĩ và hành động đều là hành vi cần phải loại bỏ, hãy cùng nhau thay đổi để xã hội trở nên tốt đẹp hơn.