Trang chủ Lớp 10 Văn lớp 10 Văn mẫu 10 - Kết nối tri thức Câu tham khảo Mẫu 2 Viết bài luận thuyết phục người khác...

Câu tham khảo Mẫu 2 Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen thức khuya Văn mẫu 10: Ngày nay, có rất nhiều người lựa chọn sống và làm việc về đêm. Theo thời gian, họ hình thành cho mình thói quen thức khuya. Có thể nói

Giải Câu tham khảo Mẫu 2 Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen thức khuya – Văn mẫu 10 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Ngày nay, có rất nhiều người lựa chọn sống và làm việc về đêm. Theo thời gian, họ hình thành cho mình thói quen thức khuya. Có thể nói, đây là một thói quen xấu cần loại bỏ ngay từ bây giờ.

Cuộc sống phát triển kéo theo vô vàn xu hướng, trào lưu mới mẻ. Tuy nhiên, không phải “phong trào” nào cũng mang tính tích cực. Đơn cử, chúng ta có thể thấy ngay lối sống “sống về đêm” đang rất thịnh hành trong giới trẻ. Thay vì vui chơi, hoạt động vào ban ngày hoặc buổi tối, một số người thường lựa chọn thời gian đêm khuya. Họ thức đến hai, ba giờ sáng để chơi game, xem phim, lướt mạng xã hội,… Họ mải mê với điện thoại, máy tính bảng mà không màng thời gian. Rồi từ đó, họ bị cuốn theo những nội dung đằng sau màn hình cảm ứng. Ngoài ra, có nhiều cá nhân lại rủ bạn bè tụ họp, chơi bời khi từ đêm đến sáng.

Thói quen đi ngủ muộn, thức khuya để lại rất nhiều tác hại cho con người. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Chronobiology International” đã chỉ ra rằng: “Các nhà khoa học kết luận người hay thức đêm có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, rối loạn tâm lý và rối loạn thần kinh cao hơn”. Như vậy, việc thức khuya sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe chúng ta. Người có thói quen thức khuya sẽ thường xuyên bị đau đầu, cận thị, trí nhớ suy giảm,… Về lâu dài, thức khuya còn gây ra các chứng rối loạn tâm thần như: mất ngủ, hay quên, lo âu,… Khi đồng hồ sinh học bị xáo trộn, thay đổi, cơ thể con người cũng dễ bị thiếu năng lượng, sức đề kháng suy giảm. Không chỉ vậy, thức đêm và ngủ quá ít sẽ làm chúng ta trở nên mệt mỏi, hay cáu gắt và uể oải. Ngoài ra, mọi người thường có suy nghĩ thức đêm và ngủ bù vào buổi sáng. Điều này dễ để lại các hệ lụy như: trễ giờ học, giờ làm, lỡ kế hoạch,…

Do đó, ngay từ hôm nay, mỗi người cần gạt bỏ thói quen xấu này. Việc không thức khuya và dậy sớm vào buổi sáng sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, tinh thần minh mẫn để bắt đầu ngày mới. Sức khỏe cũng được cải thiện rõ rệt khi sinh hoạt điều độ, khoa học. Ngoài ra, rèn luyện thói quen đi ngủ đúng giờ, không thức khuya còn giúp con người biết phân bổ, sử dụng thời giờ hợp lí. Nó nhắc nhở các cá nhân đừng nên trì hoãn công việc quá lâu rồi xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

Muốn từ bỏ thói quen thức khuya, mỗi người phải sắp xếp thì giờ sinh hoạt, học tập hợp lí. Những công việc quan trọng hãy thực hiện và hoàn tất ngay trong ngày. Việc ôn thi, ôn bài thì cần lên kế hoạch chu toàn, không nên sát ngày mới mở ra ôn. Đặc biệt, để không bị cuốn theo các thú tiêu khiển trên mạng internet, mọi người nên hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính bảng trước khi đi ngủ. Chúng ta cũng có thể cài báo thức nhắc nhở giờ đi ngủ ngay trên điện thoại.

Tôi biết có nhiều bạn thường thức khuya để tìm cảm hứng, ý tưởng cho công việc của bản thân. Thế nhưng, đừng để thói quen này diễn ra thường xuyên. Mong rằng, các bạn sẽ biết cân đối công việc, thời gian cho hợp lí. Mọi người có thể tìm cho mình một không gian, địa điểm yên tĩnh, phù hợp để giải quyết công việc.

Có thể nói, ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ giúp con người luôn khỏe khoắn, tỉnh táo. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, mỗi chúng ta hãy có cái nhìn đúng đắn về thói quen đi ngủ muộn và thức khuya.