Trang chủ Lớp 10 Văn lớp 10 Văn mẫu 10 - Kết nối tri thức Câu tham khảo Mẫu 1 Viết bài văn nghị luận về vở...

Câu tham khảo Mẫu 1 Viết bài văn nghị luận về vở Chèo Thị Mầu lên chùa Văn mẫu 10: Bên cạnh những vở chèo nổi tiếng như “Trương Viên”, “Chu Mãi Thần”, “Kim Nham”, “Lưu Bình – Dương Lễ”

Trả lời Câu tham khảo Mẫu 1 Viết bài văn nghị luận về vở Chèo Thị Mầu lên chùa – Văn mẫu 10 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Bên cạnh những vở chèo nổi tiếng như “Trương Viên”, “Chu Mãi Thần”, “Kim Nham”, “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính” cũng là một trong số những tác phẩm kinh điển của nền chèo cổ Việt Nam. Nổi bật trong vở chèo là đoạn trích “Thị Mầu lên chùa”. Trích đoạn đã cho thấy cách nhìn nhận của tác giả dân gian về những người phụ nữ trong xã hội xưa.

Văn bản “Thị Mầu lên chùa” kể về việc Thị Mầu lên chùa cúng tiến, nhìn thấy Kính Tâm liền đem lòng si mê và dùng lời lẽ ngon ngọt để tán tỉnh chú tiểu. Đoạn trích khắc họa sự tương phản về phẩm chất giữa hai tuyến nhân vật là Thị Mầu và Kính Tâm.

Trước hết, Thị Mầu có xuất thân cao quý, là con gái của phú ông trong làng. Tuy nhiên, ở Mầu lại toát ra vẻ lẳng lơ, phóng túng. Mọi người thường lên chùa vào ngày rằm còn Mầu lên chùa từ mười ba. Bởi vậy mới bị “mang tiếng lẳng lơ”:

“Thế mà Thị Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ

Đò đưa cấm giá tôi lên chùa từ mười ba.

Mười ba,

Tôi lên chùa thấy tiểu mười ba

Thấy sư mười bốn, vãi già mười lăm

Tôi muốn cho một tháng đôi rằm

Trước vào lễ Phật, sau thăm vãi già

Tôi bước vào lễ Phật Thích Ca

Lễ đức Tam Thế, vua cha Ngọc Hoàng.”

Lời mời gọi, kể lể của Mầu đã cho ta những hình dung ban đầu về tính cách, đặc điểm của nhân vật. Số từ “mười ba” được lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh ngày Mầu lên chùa tiến cúng. Mầu lên chùa cả ba ngày mười ba, mười bốn, mười lăm để thỏa lòng mong ước được gặp gỡ người nhà chùa.

Vừa mới nhìn thấy chú tiểu đẹp, Thị Mầu đã dùng những lời lẽ ngon ngọt, ve vãn. Khi được Kính Tâm yêu cầu cho biết tên tuổi để ghi vào lòng sớ, Thị Mầu đã cố tình khai thừa thông tin về bản thân. Nàng liên tục nhắc về việc mình chưa có chồng. Đồng thời, thể hiện mong muốn kết đôi.

Niềm mong ước giao duyên của Mầu còn được bộc lộ qua câu nói:

“Này thầy tiểu ơi!

Thầy như táo rụng sân đình

Em như gái rở, đi rình của chua.”

Táo ở sân đình thường chín và rụng sau mùa xuân. Vì không ai chăm sóc lại già cỗi nên vừa chua vừa chát. Còn cái rở là gái có mang, lúc nào cũng thèm ăn của chua, thức lạ. Mầu ví mình như gái rở còn chú tiểu như táo rụng sân đình nhằm bày tỏ mong muốn được sánh đôi cùng chú tiểu. Mầu lên chùa bái lễ nhưng chẳng thèm để ý đến thần Phật, chỉ chăm chăm vào trêu ghẹo chú tiểu. Nghe nhà mất bò, Mầu chanh chua đáp lại “Nhà tao còn ối trâu!”. Đối đáp với những lời trách móc, phê phán, Mầu vẫn tự nhận mình là người chín chắn nhất trong nhà “Nhà tao có chín chị em, chỉ có mình tao là chín chắn nhất đấy!”.

Không dừng ở những lời ngon ngọt, Thị Mầu còn cố tình trêu ghẹo chú tiểu thông qua lời hát:

“Song đứng trước cửa chùa

Tôi vào tôi gọi, thầy tiểu chẳng thưa, tôi buồn

Ấy mấy thầy tiểu ơi!

Một cành tre, năm bảy cành tre

Phải duyên thời lấy, chớ nghe họ hàng

[…] Ấy mấy thầy tiểu ơi!

Trúc xinh trúc mọc sân đình

Em xinh em đứng một mình chẳng xinh!”

Trong đoạn này, Mầu dùng rất nhiều hình ảnh trong ca dao dân ca như “cành tre”, “mẫu đơn”, “nhà thờ”, “thiếp”, “chàng”, “cơm hàng có canh”, “trúc mọc đầu đình” vừa là để bộc lộ tình cảm vừa là tán tỉnh Kính Tâm. Đặc biệt, đoạn hát còn cho thấy được quan niệm về tình yêu của Thị Mầu. Tình yêu trong suy nghĩ của nàng là sự tự do, thoải mái, vượt lên mọi rào cản của xã hội. Thị Mầu không hề quan tâm đến định kiến mà chỉ tập trung vào cảm xúc cá nhân “Phải duyên thời lấy, chớ nghe họ hàng”. Mầu “muốn cho có thiếp có chàng/ Ba sáu mười tám, cơm hàng có canh”. Mầu sẽ cảm thấy mình bớt xinh nếu như không có đôi có cặp “Em xinh em đứng một mình chẳng xinh!”. Thậm chí, Mầu còn táo bạo tới mức muốn “lấy hơi của thầy tiểu”, nói cho mọi người nghe về kế hoạch tiếp theo của mình: “Tôi tìm chỗ nấp, thế nào tôi cũng nắm tận tay chú tiểu thì tôi mới nghe!”.

Càng về cuối lớp chèo, mức độ trong lời nói của Mầu càng được gia tăng. Đỉnh điểm là sự sỗ sàng, bỗ bã trước chốn cửa chùa “Bỏ mô Phật đi!”. Lúc này, Mầu hoàn toàn không còn có ý niệm gì về việc bái lễ nữa mà chỉ tập trung vào chú tiểu. Câu nói ấy đã cho thấy sự thất lễ, thiếu tôn trọng với những tăng ni trong chùa. Làm mọi cách mà Kính Tâm không để ý, tâm trạng của Thị Mầu không còn vui tươi, hồ hởi như khi mới vào chùa mà trở nên rầu rĩ, man mác buồn:

“Muốn rằng cây cải cho xanh

Thài lài, rau dệu tám thành bờ tre

Lắng tai tôi nói cho mà nghe

Tri âm chẳng tỏ tri âm

Để tôi thương vụng nhớ thầm sầu riêng!”

Ngoài lời nói, tính cách của nhân vật còn được bộc lộ qua hành động. Vượt qua mọi khuôn phép, chuẩn mực, Thị Mầu có những cử chỉ mạnh bạo, bất chấp. Đó là xông ra nắm tay, nhận quét sân thay Tiểu Kính. Có thể nói, mọi ngôn ngữ, hành động của Thị Mầu đều cho ta thấy được sự lẳng lơ, phóng khoáng trong con người thị.

Đối lập với đào lẳng là nhân vật Thị Mầu, đào chính – Kính Tâm lại mang trong mình những vẻ đẹp, phẩm chất đáng quý. Khác với Thị Mầu, Thị Kính sinh ra trong một gia đình nông dân, sau được gả vào gia đình khá giả. Do hiểu lầm, nàng phải bỏ nhà ra đi, cắt tóc giả trai xin vào tu hành ở chùa Vân. Mặc dù ẩn mình dưới thân phận của một chú tiểu nhưng Kính Tâm vẫn toát lên sự trang nghiêm. Qua lời nhận xét, ngợi ca của Thị Mầu, ta có thể hình dung ra được nét đẹp đoan trang, thanh khiết ở Kính Tâm.

Trước những lời tán tỉnh và hành động sỗ sàng của Thị Mầu, Kính Tâm luôn giữ thái độ, lời nói, cử chỉ mực thước:

“Khấn nguyện thập phương

Kính trình Tam Bảo

Lòng người có đạo

Đem của cúng dàng

[…] A di đà Phật! Tôi đã đèn nhang xong, mời cô vào lễ Phật.”

Đây quả là ngôn ngữ của một bậc chân tu. Từng câu chữ đều tuân theo quy tắc, giáo lí nhà Phật. Mỗi lần nghe Thị Mầu nói, Kính Tâm đều nhẹ nhàng niệm “Nam mô A Di Đà Phật!” như một cách từ chối. Chứng kiến sự mù quáng của Thị Mầu, Kính Tâm bày tỏ nỗi niềm trong lời độc thoại:

“Ngẫm oan trái nhiều phen muốn khóc

Thấy nhân duyên nghĩ lại nực cười

Hẳn vô tình thế mới trêu ngươi

Vì hữu ý nên rằng hoảng mắt

Chứ có biết đâu mình cũng chỉ là…”

Đây là những lời đúc kết, suy ngẫm của một con người đã trải qua không ít đau khổ, truân chuyên. Đi qua nhiều chuyện trên đời tới mức phải cắt tóc đi tu, Kính Tâm thấy nực cười trước mối nhân duyên ngang trái. Có những sự vô tình khiến con người rơi vào cảnh trớ trêu. Thật giống với tình cảnh của Thị Mầu lúc này. Vì Thị Mầu có tình ý nên mới nhìn nhầm, chứ có biết đâu Kính Tâm cũng chỉ là gái giả trai. Lúc Thị Mầu xông ra nắm tay, Kính Tâm chỉ nhẹ nhàng nói: “Cô buông ra để tôi quét chùa kẻo sư phụ người quở chết!”. Có những lúc vì quá hoảng sợ trước sự tấn công đầy táo bạo của Thị Mầu, Kính Tâm phải bỏ chạy, tìm cách từ chối. Đây là biểu hiện của một con người đường hoàng, ngay thẳng.

Có thể nói, Thị Mầu đại diện cho những người phụ nữ nổi loạn còn Kính Tâm lại tượng trưng cho người phụ nữ đức hạnh trong xã hội phong kiến. Qua đoạn trích, tác giả dân gian muốn ca ngợi những người phụ nữ trung trinh và phê phán những người lẳng lơ, phóng túng. Để làm nổi bật sự mâu thuẫn, đối lập giữa hai nhân vật, tác giả đã tập trung khắc họa thông qua lời nói, hành động. Đồng thời, sử dụng các biện pháp tu từ độc đáo như so sánh “Thầy như táo rụng sân đình/ Em như gái rở, đi rình của chùa”, điệp ngữ “Ấy mấy thầy tiểu ơi!”, “chưa chồng đấy” và chất liệu ca dao, dân ca truyền thống.

Đoạn trích “Thị Mầu lên chùa” đã thể hiện cách nhìn nhận của tác giả dân gian về những người phụ nữ trong xã hội xưa. Văn bản “Thị Mầu lên chùa” nói riêng và vở chèo “Quan Âm Thị Kính” nói chung sẽ mãi lưu dấu trong lòng người Việt Nam bởi những giá trị nhân văn, ý nghĩa.