Đáp án Mẫu 3 Phân tích bài thơ Tây Tiến – Văn mẫu 10 Chân trời sáng tạo.
Câu hỏi/Đề bài:
Lời giải:
Một bài thơ để lại nhiều cảm xúc cho người đọc bởi nét tài hoa và anh dũng của những người chiến sĩ cách mạng, họ anh dũng luôn kiên cường bất khuất trên mọi chặng đường, hình ảnh đó đã thể hiện cho chúng ta thấy được một tâm hồn giàu lòng yêu thương và tinh thần anh dũng, tác phẩm đó chính là Tây Tiến của Quang Dũng. Tây tiếng là một địa danh mà tác giả đã từng gắn bó cuộc đời của mình để chiến đấu và gian nan vất vả trên từng chặng đường ở đây tác giả đang phải sống những năm tháng khó khăn và nguy hiểm nhất.
Tây Tiến là cái tên một đoàn quân được thành lập năm 1947, mang một nhiệm vụ kết hợp với bộ đội Lào để thực hiện việc bảo vệ biên giới Việt – Lào, làm hao mòn lực lượng quân giặc. Xuất thân của những người lính Tây Tiến là đa số người Hà Nội, trong đây có rất nhiều học sinh, sinh viên. Nhà thơ Quang Dũng viết bài thơ để diễn tả mọi nỗi nhớ với đoàn quân Tây Tiến sau khi chuyển sang công tác ở đơn vị khác.
Hai câu thơ đầu, nhà thơ đã thể hiện nỗi nhớ thốt lên thành lời “Tây Tiến ơi” là tiếng gọi thân thương, “nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ không thôi cho người thân, bao trùm không gian. Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ và dữ dội. Những địa danh được nhà thơ nhắc đến trong bài “Sài Khao, Mường Lát” gợi tới không gian rất hẻo lánh, xa xôi. Những từ láy giàu sự tạo hình: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”, điệp từ “dốc”, nghệ thuật điệp “Dốc lên … dốc lên” gợi địa hình vô cùng hiểm trở, quanh co, gập ghềnh.
Hình ảnh “súng ngửi trời” thể hiện sự nguy hiểm, cao của núi non mà người lính phải vượt qua nhưng cũng có cái vui tính dễ thương của người lính trong đó. Nhịp thơ bẻ đôi “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” diễn tả sự nguy hiểm của núi rừng Tây Bắc mà người lính phải đối mặt. Hình ảnh nhân hóa “cọp trêu người”, “thác gầm thét” gợi đến không gian của sự hoang sơ, man dại; thời gian “chiều chiều”, “đêm đêm” mọi người lính phải thường xuyên đối mặt với điều kiện nguy hiểm nơi rừng thiêng nước độc. Quang Dũng đã sử dụng những thanh trắc nhằm nhấn mạnh sự trắc trở, gập ghềnh của địa hình. Khung cảnh thiên nhiên có sự êm dịu, mang đậm hương vị cuộc sống: “nhà ai Pha Luôn…”, thanh bằng tạo cảm giác thực sự nhẹ nhàng, yên bình. HÌnh ảnh bi hùng về những người lính Tây Tiến “dãi dầu không bước nữa”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời”; có thể hiểu hai câu thơ đơn giản nhất miêu tả khoảnh khắc nghỉ ngơi của người lính sau những cuộc hành quân dài vô cùng mệt mỏi, cũng có thể hiểu như sự nghỉ ngơi nằm xuống của những người chiến sĩ anh hùng.
Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, thơ mộng nhưng cũng có vô vàn sự hiểm nguy, đấy như thử thách đối với những người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân.
Bên cạnh những lúc hành quân gian khổ, thì các anh chiến sĩ cũng có những kỉ niệm rất cảm động, đẹp đẽ về tình quân dân, vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc. Không khí đêm liên hoan tưng bừng với bao màu sắc độc đáo, đáng yêu, lộng lẫy: “bừng lên”, “hội đuốc hoa”,…
Tâm hồn người lính mang hồn nhà thơ, say đắm không thôi trong không khí ấm áp tình người: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Một vẻ đẹp huyền ảo đến xao xuyến, hoang dại, thiêng liêng: “Chiều sương”, “hồn lau nẻo bến bờ”. Con người lao động bình dị, mộc mạc đáng yêu Tây Bắc “dáng người trên độc mộc”, cảnh vật có sự đáng yêu, đầy sức sống: “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
Hình tượng người lính Tây Tiến được nhà thơ tập trung miêu tả trong khổ cuối. Chân dung người lính được miêu tả chân thực: “đoàn binh không mọc tóc”, “xanh màu lá”, họ sống và chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước dù có trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn mạnh mẽ “dữ oai hùm”. Những con người mang một tâm hồn nhà thơ và một trái tim đầy sự yêu thương “mắt trừng gửi mộng”, “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, lấy hình bóng dáng của người thương, nơi quê nhà sẽ thành động lực chiến đấu. Vẻ đẹp bi tráng thể hiện qua sự hi sinh anh dũng của họ dành cho dân tộc và con người Việt Nam.
Hình ảnh người lính sẵn sàng cống hiến hết mình tuổi trẻ của bản thân cho đất nước “rải rác biên cương mồ viễn xứ” đã ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Cái chết đã được lí tưởng hóa qua những hình ảnh những tráng sĩ xưa: “áo bào”, “khúc độc hành”; thiên nhiên cũng cảm thấy đau đớn thay cho nỗi đau họ phải chịu.
Quang Dũng đã viết về người lính tây tiến với tất cả nỗi nhớ, niềm thương, sự ngưỡng mộ, sự tự hào xen lẫn niềm xót xa tiếc nuối. Nhà thơ viết bằng bút pháp hiện thực và lãng mạn nhưng nghiêng nhiều về lãng mạn.Bài thơ là một dòng chảy dài da diết cháy bỏng của Quang Dũng nhớ về đồng đội thân yêu. Với âm hưởng thơ hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn cùng hình ảnh phong phú sinh động. Quang Dũng đã không chỉ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hoang sơ, hiểm trở lại vừa thơ mộng trữ tình mà ông còn chạm khắc vào lịch sử bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hoa, bi tráng. Chính vì vậy mà bài thơ mãi mãi là một hoài niệm không thể quên trong lòng người đọc bây giờ và mãi mãi về sau.