Lời giải Mẫu 2 Phân tích và cảm nhận văn bản Giang – Văn mẫu 10 Chân trời sáng tạo.
Câu hỏi/Đề bài:
Lời giải:
Cuộc sống hòa bình, yên ổn dường như đã quá quen thuộc với con người thời nay. Nhưng để có được bầu trời xanh tự do ngày hôm nay là sự đánh đổi, hi sinh của biết bao thế hệ đi trước. Họ đã bỏ lại sau lưng nhiều ước vọng, hoài bão để vác súng ra trận, đổi “mùa xuân” tuổi trẻ của bản thân lấy “mùa xuân” vĩnh cửu cho dân tộc. Với truyện ngắn “Giang” của Bảo Ninh, ta sẽ được tìm hiểu sâu hơn về đất nước và con người trong thời chiến.
Tác phẩm đã đề cập đến chủ đề hết sức quen thuộc: chiến tranh. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà văn Bảo Ninh đã tái hiện cuộc sống của con người nhỏ bé trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ độc lập – tự do cho dân tộc. Không chỉ mang đến những kỉ niệm đẹp giữa nhân dân với chiến sĩ, “Giang” còn gợi lại vô vàn nỗi đau, mất mát mà chiến tranh đem lại.
Tác phẩm đưa đến cho ta bức tranh về tình quân – dân gắn kết, bền chặt. Nó được thể hiện qua cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhân vật “tôi” với cô gái Nhật Giang. Sự tinh tế, chu đáo của cô gái trẻ đã làm anh lính sững sờ, đồng thời không kém phần cảm động, vui sướng. Từ đó, mối quan hệ của hai con người trẻ tuổi càng thêm kết nối, thân quen. Thái độ của bố Giang – vị trung tá cao lớn – ban đầu khá nghiêm nghị, khiến nhân vật “tôi” hốt hoảng, lo lắng. Nhưng sau khi được con gái giới thiệu, ông trở nên rất thân thiện. Ông còn cho phép Giang lấy chiếc xe đạp của mình để đưa chàng lính trẻ về đơn vị cho kịp giờ. Trong lần gặp lại trên chiến trường, ông rất vui vẻ, hồ hởi. Ông kể cho anh lính về con gái mình, hẹn anh “bữa sau” gặp sẽ đưa anh tấm ảnh mà con bé gửi.
Bên cạnh đó, tuy không đi sâu vào miêu tả những trận chiến ác liệt nhưng qua câu chuyện, độc giả vẫn thấy được những đau thương, mất mát mà thời kì bom đạn khói lửa ấy mang lại cho con người. Đó là sự chia xa của gia đình Giang khi “mẹ mất năm ngoái, anh trai thì mới vừa đi Bê tháng trước”. Bố cô phải mượn một túp nhà đơn sơ để đón con gái lên ăn Tết cùng. Đến cuối, cả vị tham mưu trưởng đáng kính ấy cũng phải rời bỏ Giang. Ông đã hi sinh trên chiến trận, để lại đứa con gái chờ đợi ở nhà, đồng thời để lại khoảng trống lớn trong lòng và cái hẹn “bữa sau” chẳng bao giờ thực hiện được với anh lính trẻ. Chiến tranh đã chia cắt mọi người. Không chỉ không thể gặp lại vị tham mưu trưởng đáng kính, nhân vật “tôi” còn mất đi cơ hội gặp lại cô bé Nhật Giang ngày nào. Nó đã trở thành sự mất mát, thành nỗi buồn “thoảng nhanh nhưng không tắt lịm” trong lòng người lính. Và đó cũng chính là hoàn cảnh chung, là thực tế phũ phàng mà những con người thời chiến buộc phải chấp nhận.
Để thể hiện được những nội dung hết sức sâu sắc ấy, không thể không nhắc đến thành công nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, đặt điểm nhìn vào chàng lính trẻ cùng những tình huống truyện độc đáo đã mang đến sức thuyết phục cho câu chuyện. Ta như được tận mắt chứng kiến từng diễn biến, sự kiện, cùng vui cùng buồn với các nhân vật, từ đó biết ơn sự hi sinh cao cả của các thế hệ trước. Họ chính là những người anh hùng vô danh, đánh đổi hạnh phúc bản thân để đem đến cuộc sống hòa bình như bây giờ cho dân tộc. Không chỉ vậy, các nhân vật trong tác phẩm cũng được xây dựng một cách vô cùng gần gũi, chân thực. Mỗi người lại có cho mình những nét tính cách riêng độc đáo, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Ta thấy anh lính mười bảy tuổi với sự phơi phới của tuổi trẻ; vị trung tá quân đội vừa cao lớn, nghiêm nghị, vừa thân thiện, dễ gần; cô gái tinh tế, nhiệt tình, ân cần với cái tên thật đẹp: Phạm Nhật Giang. Tất cả đều góp phần tạo nên một thế giới thu nhỏ trên trang giấy, tái hiện lại cuộc sống đầy màu sắc của con người trong thời chiến.
Bằng sự tài hoa của mình, nhà văn Bảo Ninh đã đem đến một tác phẩm hết sức chỉn chu cả về nội dung và nghệ thuật. “Giang” đã tái hiện hết sức chân thực cuộc sống của con người thời chiến với tình quân – dân thắm thiết, sâu nặng. Những nỗi đau mà chiến tranh mang lại được kể một cách nhẹ nhàng, càng khắc sâu hơn kí ức mất mát vào lòng độc giả. Từ đó, ta lại càng thêm biết ơn những thế hệ đi trước. Tình yêu nước cháy bỏng cùng lòng quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc họ cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vậy mà ta mới có được cuộc sống hòa bình, yên ổn như bây giờ. Nghệ thuật kể chuyện tài tình cũng góp phần khiến trải nghiệm đọc của ta thêm chân thực và đầy cảm xúc. Nó đã giúp cho “Giang” nổi bật lên giữa vô vàn các tác phẩm khác cùng chủ đề.
Chiến tranh qua đi để lại cho con người bao mất mát, đau thương. Nhìn vào đó, ta lại càng phải thêm trân trọng nền hòa bình, độc lập bây giờ. Tuy vậy, dù đã ở thế kỉ XXI, tình hình chính trị thế giới hiện vẫn hết sức căng thẳng. Có thể lấy cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm ví dụ. Nó đã gây nên hàng loạt mất mát cả về người và của, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và chính trị toàn cầu. Vậy nên, mỗi người cần hết sức nỗ lực bảo vệ xã hội. Hãy kêu gọi mọi người phản đối chiến tranh, giữ cho cộng đồng chung luôn tiến bộ, yên bình, tạo ra môi trường phát triển tốt nhất cho thế hệ tương lai.