Đáp án Mẫu 2 Phân tích khổ 2 bài thơ Tây Tiến – Văn mẫu 10 Chân trời sáng tạo.
Câu hỏi/Đề bài:
Hướng dẫn:
“Thơ làm cho tất cả những gì tốt đẹp trở thành bất tử”. (Shefley) Và Quang Dũng đã làm sống lại những gì đẹp đẽ nhất, những kí ức khó quên nhất trong cuộc đời người lính. Đó không chỉ là những giây phút hành quân nơi núi cao vực sâu dốc thẳm mà còn là những khoảnh khắc bình yên. Đêm hội liên hoan tại một bản làng trên vùng núi cao Tây Bắc là một hành trang tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời người lính.
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”
Doanh trại không chỉ là không gian của hiện thực mà còn là không gian của tâm tưởng, của hoài niệm và nỗi nhớ. Nơi đó đang bừng lên bởi những ngọn lửa bập bùng mà tác giả liên tưởng đến đuốc hoa. Những bông hoa lửa như thắp sáng cả cánh rừng đại ngàn, đẩy lùi bóng tối, xua tan sự lạnh lẽo, làm bừng sáng cả không gian. Hai từ “bừng lên” không chỉ là bừng lên của ngọn đuốc mà còn là “bừng lên” của kỉ niệm, của hồi ức như một tiếng reo vui biết bao hồ hởi, say mê. Không còn những chặng đường hành quân vất vả, cũng không còn những bước chân nhọc nhằn ra trận mà chỉ còn lại không khí rộn ràng sôi nổi. Người lính như quên hết những mệt mỏi hiểm nguy để đắm hồn mình vào đêm hội liên hoan ấy.
Hình ảnh trung tâm của đêm hội liên hoan là sự hiện diện của những cô thiếu nữ vùng sơn cước:
“Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”
Trong ánh lửa bập bùng của ngọn đuốc lung linh kì ảo, trong tiếng khèn tiếng nhạc du dương, những cô thiếu nữ vùng cao xuất hiện với vẻ đẹp lộng lẫy, quyến rũ, e ấp, duyên dáng và tình tứ khiến những chàng lính không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng. “Kìa em” là tiếng reo với bao bất ngờ vui sướng và có cả sự thán phục ngợi khen. Với những bộ trang phục thật đẹp và lạ mắt, với những vũ điệu đậm sắc màu dân tộc và cả nét e ấp e thẹn, những cô gái sơn cước đã khiến bao chàng trai Tây Tiến như bị hút hồn, ngây ngất.
Cảnh vật và con người đểu như ngả nghiêng, say sưa trong tiếng khèn, tiếng nhạc, trong những vũ điệu ngọt ngào say đắm, vừa có chút gì đó hoang dại bí ẩn mê hoặc lòng người. Những âm thanh khốc liệt của súng đạn bị đẩy lùi chỉ còn những tâm hồn lãng mạn, những “hồn thơ” hòa mình trong điệu nhảy điệu múa đến say lòng người.
Sau những hoài niệm về đêm lửa trại ấm áp tình quân dân là những bâng khuâng xa vắng trong nỗi nhớ miên man về cảnh sông nước và con người miền Tây Bắc.
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”
Sông nước miền Tây hiện ra vào một buổi chiều sương tĩnh lặng. Không gian giăng mắc một màn sương mênh mang, mờ ảo và nhạt nhòa, tạo nên vẻ đẹp lãng mạn huyền ảo. Ở đây không phải là sương lấp, sương che hay sương phủ mà là sương giăng, ta như cảm nhận được cái thực và cái mộng của khí trời Tây Bắc bảng lảng sương khói hiện ra như một miền cổ tích.
Hai bên bờ sông là những dãy lau ngút ngàn gợi lên một không gian hoang sơ tĩnh lặng. Những bông lau chập chờn lay động như có hồn. Hồn của lau hay chính tâm hồn của nhà thơ đã hóa thân vào cảnh vật trong những bông lau phất phơ, huyền ảo. Khung cảnh sông nước hoang vắng man mác buồn chợt khiến ta nhớ đến dòng sông Đà trong trang văn của Nguyễn Tuân “dòng sông như chảy từ tiền cổ”, “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích xưa.”
Sông nước miền Tây không chỉ hiện lên đậm chất hiện thực mà còn rất đỗi thơ mộng trữ tình. Vẻ đẹp của con người hòa quyện trong vẻ đẹp của thiên nhiên.
“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”
Hình ảnh thiếu nữ Tây Bắc xuất hiện trên chiếc thuyền độc mộc với vẻ đẹp vừa mềm mại uyển chuyển, duyên dáng lại vừa vững chãi đưa con thuyền xuôi dòng. Hình ảnh người con gái trở thành trung tâm hội tụ linh hồn của bức tranh sông nước miền Tây. Không phải ngẫu nhiên khi Quang Dũng đặt hình ảnh người thiếu nữ bên cạnh “hoa đong đưa”. “Đong đưa” chứ không phải là “đung đưa”. Nếu “đung đưa” chỉ là sự chuyển động vật lý thì “đong đưa” còn đem đến tâm trạng, linh hồn cho cảnh vật. Những bông hoa rừng trở thành những sinh thể có hồn. Hoa cũng như con người đang soi mình trong gương nước chòng chành, cũng biết làm duyên làm dáng. Hóa ra con người Tây Bắc, bóng dáng của người thiếu nữ trên chiếc thuyền độc mộc cũng đẹp như những bông hoa rừng trong chiều sương mờ ảo.