Đáp án Mẫu 1 Tâm trạng Nguyễn Khuyến qua bài thơ Thu điếu – Văn mẫu 10 Cánh diều.
Câu hỏi/Đề bài:
Lời giải:
Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, mùa thu đã làm hao tốn giấy mực của biết bao văn nhân, thi sĩ: Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Jacques Delille, Charles Baudelaire, Guillaume Apollinaire… Ở Việt Nam, chỉ với Nguyên Khuyến, lần đầu tiên mùa thu nông thôn mới thật sự đi vào văn học. Cụ Tam nguyên Yên Đổ đã để lại cho đời nhiều bài thơ nhưng chùm thơ thu gồm ba bài: Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm, luôn bất tử với thời gian. Chúng ta hãy thưởng thức vẻ đẹp của cảnh sắc mùa thu và tìm hiểu tâm trạng của nhà thơ qua bài Thu điếu:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo,
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Lác đác rừng phong hạt móc sa Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.
(Đỗ Phủ)
Càng không phải mùa thu phương Tây:
Gió bấc thổi cành cây khô héo Rơi đó đây khắp nẻo lòng thung Từng hồi lá rụng mặt đường.
(Jacques De Lille – Phạm Nguyên Phẩm dịch)
Xa tận bìa rừng
Nai kêu văng vẳng
Thu ơi ta yêu sao tiếng em xào xạc
Những quả rơi không cần hái nhặt
Gió và rừng khóc than
Tất cả lệ thu rơi từng lá một.
(Guillaume Apolinaire)
mà đích thị là mùa thu đẹp tuyệt vời của vùng chiêm trũng Bắc Bộ Việt Nam.
Sáu câu thơ đầu đã vẽ nên bức tranh ấy:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo,
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngất,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Nếu như ở bài Thu ẩm, Thu vịnh, Nguyễn Khuyến lần lượt miêu tả cảnh từ gần đến xa, từ xa đến gần, thì ở bài Thu điếu, nhà thơ vẫn theo luật gần xa của hội họa nhưng kết hợp được hai chiều. Ngồi trên “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, thi nhân đưa điểm nhìn bao quát toàn cảnh. Điểm nhìn đầu tiên là cảnh ao thu. Thật vậy, nơi “vườn Bùi, chôn cũ” có rất nhiều ao vì đó là vùng đồng bằng. Màu nước ao “trong veo” như một tấm gương xinh xắn soi bóng mây trời. Sự cảm nhận ở đây không chỉ bằng xúc giác mà còn bằng linh giác. Cái lạnh lẽo của khí thu thấm dần vào tâm hồn dạt dào xúc cảm của thi nhân. Trên cái ao vốn đã nhỏ, những chiếc thuyền nan hiện trên cái ao lại càng nhỏ hơn: “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Từ “một” rất có sức gợi: gợi cảnh câu cá và cảnh người câu cá đơn độc, cô lẻ. Câu thơ cũng gợi ta nhung nhớ cánh buồm cô đơn trong thơ Lí Bạch cách đây hơn 1200 năm:
Cô phàm viễn ảnh bích không tận.
(Bóng cánh buồm lẻ loi xa xa mất hút vào khoảng không xanh biếc).
Qua đó, hình ảnh nhân vật trữ tình như đắm chìm trong cảnh sắc mùa thu. Có thể nói, bằng cách chọn lọc ngôn từ tinh vi, ăn ý: lạnh lẽo, trong veo, tẻo teo, Nguyễn Khuyên đã gọi được cái hồn thu, tiếng thu của làng quê thôn dã Việt Nam vọng về.
Ở hai câu thực, nhà thơ tiếp tục chấm phá một cách tài hoa cái hồn thu ấy:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Mặt nước thu không phẳng lặng do có cơn gió thu se sẽ lướt qua. Cơn gió heo may hiu hắt vừa trở về ấy đã kích thích con sóng gợn lăn tăn, phản chiếu sắc trời xanh biêng biếc. Và mây trăm, mấy nghìn năm nay, thu nào đến mà không có sắc vàng của cỏ cây, cũng như không thiểu lá vàng rơi:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
… Sương giày giậu cúc đóa hoa vàng.
(Nguyễn Công Trứ)
Mùa thu tràn về đất trời mơn man
Lá vàng rụng em ơi lá vàng rụng
Ngập lối đi bao nhiêu chiếc lá vàng
Và cùng nữa chiếc lá vàng trong gió
Đang xoay xoay bay trong nắng thu vàng …
Ơ hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi. Thu mênh mông.
(Bích Khê)
Sắc đâu nhuộm ố quan hà Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương.
(Tản Đà)
Đây mùa thu tới, mùa thu tới Với áo mơ phai dệt lá vàng.
(Xuân Diệu)
Nhưng hình ảnh chiếc lá vàng trong thơ Nguyễn Khuyến vẫn mang nét đẹp riêng và đầy ấn tượng:
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Cơn gió mùa thu đã tiếp tục bứt đi chiếc lá vàng thon thon hình thuyền, nhẹ nhõm rồi liệng đi trong không gian êm đềm, khẽ khàng. Xuân Diệu cho rằng cụ Tam nguyên Yên Đổ thật tài tình khi tìm được cái tốc độ bay của lá: “vèo” để tương xứng với cái mức độ gợn của sóng: “tí”.
Nhà thơ Tản Đà cũng hết lời khen tặng từ “vèo” trong câu thơ này. Thi sĩ bộc bạch rằng cả một đời thơ của mình may ra mới có được câu thơ đắc ý trong thi phẩm Cảm thu, tiễn thu:
Vèo trông lá rụng đầy sân.
Sau này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng một lần có cái “nghiêng tai kì diệu” để cảm nhận tiếng rơi đó:
Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
Mặt khác, ở hai câu luận, nghệ thuật đôi ngữ rất chỉnh. Đến hai câu luận, Nguyễn Khuyến khéo léo mở không gian lên tầng cao: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Bầu trời xanh ngắt muôn thuở vẫn là biểu tượng cho vẻ đẹp của mùa thu.
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cũng đã vẽ lên một bức tranh thu tuyệt đẹp trong một tác phẩm bất tử với thời gian:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
(Truyện Kiều)
Trong thơ hiện đại, Nguyễn Đình Thi cũng có những câu thơ miêu tả bám rễ sâu vào lòng người:
Trời thu thay áo mới Trong biếc nói cười thiết tha.
(Đất nước)
Trong cả ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến đều xuất hiện hình ảnh hữu tình này:
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao.
(Thu vịnh)
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt.
(Thu ẩm)
“Xanh ngắt” cũng thuộc nhóm màu xanh nhưng là xanh thuần một màu trên diện rộng. “Xanh ngắt” còn gợi ra “cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá”. Điểm thêm trên bầu trời “xanh ngắt” ấy là một “tầng mây lơ lửng” trông rất thú vị, tình tứ và càng tôn thêm vẻ đẹp yên ả của mùa thu. Nhờ điểm nhìn từ tầng cao mênh mông, thoáng đãng, thi nhân thả hồn về xóm làng quen thuộc:
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Cái ngõ vào nhà không thẳng tắp mà “quanh co”, xấp xõa tre trúc mộc mạc, bình dị. Từ “quanh co” gợi cảm giác sâu hun hút, vòng lượn, uốn khúc mãi đến vô cực. Dường như những người dân quê bây giờ đang chân lấm tay bùn, một nắng hai sương trên đồng ruộng. Họ đang chăm sóc những cây lúa xanh uốn mình trong gió nhẹ hay đang gặt hái và đang ngồi bên đống thóc mẩy vàng. Do đó, trên đường quê thiếu vắng những bước chân thân thương: “khách vắng teo”. Vậy nên, câu thơ: “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” chuyên chở vẻ đẹp tích tụ. Đồng thời nghệ thuật đối chữ ở cặp câu luận này đã làm nổi bật lên cái thần thái của mùa thu nơi làng quê Bắc Bộ.
Nhìn chung, toàn bộ cảnh sắc mùa thu ở sáu câu thơ đầu tiên được cảm nhận bằng nhiều giác quan tinh tế của thi nhân và được vẽ lại bằng ngòi bút tài hoa của một hoạ sĩ. Bức tranh thơ chất chứa một giai điệu xanh: xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá rơi” (Xuân Diệu). Vả lại, “bức tranh thơ vừa có chiều cao, vừa có chiều rộng, chiều sâu, vừa có những hình ảnh được đặc tả nổi bật, vừa có sự kết hợp hài hoà giữa cận cảnh và viễn cảnh” (Vũ Nho). Đặc biệt, các vần eo: trong veo, tẻo teo, đưa vèo, vắng teo được Nguyễn Khuyến phối hợp rất điêu luyện đã góp phần tạo nên một bức tranh tĩnh vật sắc sảo, duyên dáng.
Đến hai câu cuối cùng của bài thơ (câu 7-8) là bức tranh tâm trạng của Nguyễn Khuyến:
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Nhà thơ “tựa gối ôm cần”, nhưng trong lòng không muốn cá cắn câu. Vậy thi nhân muốn gì? Trong thơ văn cổ, các bậc hiền triết thường mượn việc ngồi câu cá để chờ đợi thời, chờ đợi người có tài đức song toàn vời ra giúp việc quốc gia. Đời nhà Chu, Trung Quốc có Lã Vọng, ngồi buông câu mải miết bên dòng sông Vị Thuỷ. Đến năm bảy mươi tuổi mới gặp Văn Vương mời ra tham gia việc triều chính, đại sự:
Điếu nhân bất điếu ngư,
Thất thập đắc Văn Vương.
(Câu người không câu cá /Bảy mươi gặp Văn Vương).
(Bạch Cư Dị)
Tóm lại, Thu điếu là một bài thơ tả cảnh, tả tình tuyệt bút. Cảnh thu trong bức tranh thơ không có gì tân kỳ, lạ lẫm nhưng lại chuyên chở vẻ đẹp của phạm trù mỹ học và rất có hồn, rất Việt Nam. Tình thu vừa kín đáo, vừa sâu lắng: tình yêu thiên nhiên tha thiết, tình yêu nước thương dân cháy bỏng. Xét ở tầm vĩ mô, bài thơ như một bài tuyệt tình ca về cảnh đẹp của đất nước, về tình yêu đất nước. Thơ của Nguyễn Khuyến qua bài này cũng như nhiều bài khác, có đặc điểm là giản dị mà sống động. Lời thơ cô đúc, hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”. Nghệ thuật chọn lọc ngôn từ, vần điệu hết sức khéo léo, tinh vi, nhất là các từ láy và vần “eo”
trong trẻo, vang ngân. Tứ thơ lan toả. Hai câu thơ cuối vừa khép lại bài thơ, vừa bộc bạch được nỗi lòng của thi nhân.
Thu điếu xứng đáng là một trong ba bài thơ nối tiếng nhất về đề tài mùa thu trong lịch sử thơ ca Việt Nam từ cổ chí kim. Thật đáng tiếc cho những ai yêu thơ, say thơ mà không đến được với Thu điếu.