Trang chủ Lớp 10 Văn lớp 10 Soạn văn 10 - Kết nối tri thức - chi tiết Câu hỏi Kết nối đọc – viết trang 58 Văn 10 Kết...

Câu hỏi Kết nối đọc – viết trang 58 Văn 10 Kết nối tri thức: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích hình ảnh “hàng rào” trong truyện ngắn Một truyện đùa nho nhỏ

Hướng dẫn soạn Câu hỏi Kết nối đọc – viết trang 58 SGK Văn 10 Kết nối tri thức – Một chuyện đùa nho nhỏ. Tham khảo: Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.

Câu hỏi/Đề bài:

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích hình ảnh “hàng rào” trong truyện ngắn Một truyện đùa nho nhỏ.

Hướng dẫn:

– Đọc tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.

– Đọc kĩ đoạn văn viết về chi tiết hình ảnh “hàng rào” để viết đoạn văn phân tích.

Lời giải:

Cách 1

An-tôn Sê-khốp là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Nga, những tác phẩm truyện ngắn của ông là những “truyện không có chuyện” và truyện ngắn Một chuyện đùa nho nhỏ cũng vậy, là một câu chuyện kể về một trò đùa của tác giả với câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!” như một cách để tác giả bày tỏ tình cảm của mình đến nàng Na-đi-a. Hình ảnh “hàng rào” trong câu chuyện là một mấu chốt quan trọng, là một hình ảnh biểu tượng ngăn cách tâm hồn hai nhân vật. Sau khi bày ra trò đùa nói câu “Na-đi-a, anh yêu em!” mỗi khi đi trượt tuyết, nhân vật “tôi” trước khi phải đi Pê-téc-bua đã đứng nhìn Na-đi-a qua khe hở của hàng rào cao có đinh nhọn, anh chàng đã bày ra trò đùa nho nhỏ ấy như một cách để anh bày tỏ tình cảm của mình đến nàng Na-đi-a, câu nói theo gió bay đến với nàng Na-đi-a thế nhưng chính nhân vật “tôi” cũng bị thiệt thòi bởi trò đùa đó. Hình ảnh “hàng rào” ngăn cách khu vườn nhà nhân vật “tôi” với sân nhà nơi Na-đi-a đang đứng nhìn trời với tâm trạng u sầu như một hình ảnh ẩn dụ về bức tường ngăn cách hai nhân vật. Hai con người, hai tâm hồn dù ở cùng một không gian địa lý nhưng lại không chạm được đến nhau, bị ngăn cách bởi một hàng rào mỏng manh. Cũng qua hàng rào ấy mà nhân vật “tôi” đã nhờ gió gửi đến nàng Na-đi-a câu nói “anh yêu em” như một câu nói chào tạm biệt nàng vậy. Người đọc có thể cảm nhận được khi nhân vật “tôi” đứng nhìn Na-đi-a qua hàng rào đã có một tâm trạng đau buồn, khiến ta thấy thương cảm cho số phận hai nhân vật ấy. Hình ảnh “hàng rào” tuy chỉ là một chi tiết nhỏ bé nhưng nó có ý nghĩa rất lớn trong câu chuyện như một mắt xích để người đọc thấy được sự chuyển biến tâm trạng của hai nhân vật sau trò đùa ấy.

Cách 2:

Hình ảnh hàng rào xuất hiện trong cảnh chia tay giữa nhân vật “tôi” và Na-đi-a. Đó là hàng rào ngăn cách khu vườn nhỏ của nhà “tôi” và sân nhà Na-đia, ngăn cách thế giới của “tôi” và thế giới của nàng. Sê-khốp miêu tả đó là một “hàng rào cao có đinh nhọn”, biểu tượng cho một sự ngăn cách tuyệt đối, như một lời cảnh báo cho những kẻ dám xâm phạm đến. Nhưng giữa những “hàng rào” đó vẫn có những khe hở, và “tôi” đã trông thấy Na-đi-a, trông thấy nỗi buồn và khát khao của nàng qua khe hở đó. Chỉ hai lần hiện lên trong tác phẩm, hình ảnh “hàng rào” như một vách chia giữa hai con người, đến phút cuối cùng họ vẫn không hề vượt qua hàng rào đó, nhân vật “tôi” chỉ “đứng bên hàng rào” và thì thào trong gió lời Na-đi-a muốn nghe. Hình ảnh “hàng rào” đã gợi nhắc đến tính “đùa” của lời tỏ tình, hé mở kết cục chia đôi ngả của hai nhân vật.