Giải Trình bày bài nói Giới thiệu – đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể – Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo siêu ngắn.
Câu hỏi/Đề bài:
– Dựa vào dàn ý đã lập ở trên để trình bày bài nói.
– Cần có lời chào, giới thiệu ở phần đầu và lời cảm ơn khi kết thúc bài nói.
– Nói với mực âm thanh vừa phải, đủ nghe, rõ ràng.
– Dùng những từ ngữ có tác dụng liên kết để bài nói mạch lạc và thuyết phục người nghe hơn.
– Chú ý khi nói không nên phân tâm và có thái độ tôn trọng người nghe.
Bài nói chi tiết
Chào thầy/ cô và các bạn. Mình là Tuệ Nhi, hôm nay mình sẽ thuyết trình về vấn đề giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng. Cả lớp mình cùng lắng nghe nhé!
Ếch ngồi đáy giếng là câu chuyện không còn quá xa lạ với mỗi chúng ta đúng không ạ? Ếch ngồi đáy giếng là một trong những truyện ngụ ngôn hay và nổi bật nhất, mượn hình ảnh chú ếch sống trong giếng để nói về những người có tầm nhìn hạn hẹp, thiển cận nhưng lại rất huênh hoang, tự đại để rồi nhận một kết cục không đẹp. Chủ đề của câu chuyện này đề cập đến tầm hiểu biết hạn hẹp và thái độ huênh hoang của con người – một tính cách khá phổ biến trong đời sống xã hội.
Đầu tiên, mình xin được tóm tắt câu chuyện. Có một con ếch sống lâu ngày trong một cái giếng, xung quanh chỉ có nhái, cua, ốc, chúng rất sợ tiếng kêu của ếch. Ếch tưởng mình oai như vị chúa tể và coi trời bé bằng cái vung. Năm trời mưa to khiến nước mưa ngập giếng và đưa ếch ra ngoài, quen thói cũ ếch đi lại nghênh ngang đã bị một con trâu đi ngang dẫm bẹp.
Và để tạo nên thành công cho truyện và giúp chúng ta nhìn nhận ra những bài học sâu sắc thì không thể quên sự đóng góp của giá trị nội dung cùng giá trị nghệ thuật trong tác phẩm. Trước hết là giá trị nội dung. Vì bản chất, Ếch ngồi đáy giếng thuộc thể loại truyện ngụ ngôn nên nội dung truyện chủ yếu là đưa ra những bài học để răn dạy con người. Câu chuyện phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp nhưng rất huênh hoang. Đồng thời, khuyên nhủ con người cần biết cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo.
Nghệ thuật cũng là một phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm truyện, góp phần tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc và hỗ trợ để làm nổi bật nội dung của truyện. Giống với những câu chuyện ngụ ngôn khác, cốt truyện của Ếch ngồi đáy giếng khá ngắn gọn nhưng cũng rất đỗi chặt chẽ. Chuyện chỉ xoay quanh những diễn biến xảy ra với chú ếch nhưng từ đó một bài học đã ra đời. Một thủ pháp nghệ thuật không thể thiếu trong một câu chuyện ngụ ngôn đó là cách xây dựng hình ảnh biểu trưng gần gũi với đời sống con người. Truyện đã nhân hóa, hình tượng hóa nhân vật con ếch để nói về con người. Điều này, vừa tạo sự hấp dẫn, thích thú cho người đọc, vừa giúp họ tự rút ra bài học cho bản thân. Nghệ thuật cuối cùng là cách xây dựng tình huống kết thúc truyện bất ngờ và hài hước. Kết truyện xuất hiện hai hình ảnh đối lập về hình dáng là con ếch và con trâu, chú ếch huênh hoang đã bị trâu đè bẹp. Chính cách kết truyện này vừa gây tiếng cười cho người đọc, vừa giúp chúng ta nhận ra hậu quả của thái độ hống hách khi luôn cho rằng mình là giỏi nhất.
Qua những điều mình vừa chia sẻ ở trên, chúng ta có thể thấy rằng giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đã có sự kết hợp hài hòa, đồng điệu, tương hỗ cho nhau để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm cũng như những bài học sâu sắc được gửi gắm trong đó.
Bài nói của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã chú ý lắng nghe và mình rất mong sẽ nhận được lời góp ý, nhận xét của cả lớp để bài nói được hoàn thiện hơn.