Giải chi tiết Đề thi học kì 2 Văn 10 Kết nối tri thức – Đề số 5 – Đề thi học kì 2 – Đề số 5 – Đề thi đề kiểm tra Văn 10 Kết nối tri thức. Đề thi học kì 2 Văn 10 kết nối tri thức đề số 5 được biên soạn theo hình thức…
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (6đ)
Hs đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi kế tiếp:
Nét độc đáo của Lễ hội đua voi ở Tây Nguyên 2022
Nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến mảnh đất đầy nắng và gió, những rẫy cà phê bạt ngàn, những con dốc khúc khuỷu hay những con voi siêu to khổng lồ thường chỉ thấy trong sở thú hoặc trên tivi. Vào mùa xuân, Tây Nguyên trông thật rực rỡ với ngàn hoa đua nhau khoe sắc, mùi thơm ngọt ngào của hoa cà phê và đặc biệt là những âm thanh tưng bừng sống động của các lễ hội truyền thống đầu xuân của những người dân tộc nơi đây. Với những người dân Tây Nguyên, voi không chỉ là một loài vật quý, mà nó còn là người bạn, người đồng hành và được coi là một thành viên thân thiết trong mỗi gia đình. Việc thuần hóa voi không chỉ nhằm mục đích chở người, lấy sức kéo, chở hàng hóa mà còn để chúng có thể hòa nhập được với lối sống bản làng và thân thiện với con người hơn. Tháng 3 âm lịch tới đây là thời điểm tổ chức lễ hội đua voi ở Tây Nguyên 2020 với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, rất phù hợp cho những người thích đi phượt tới tham quan, tìm hiểu nền văn hóa du lịch của vùng đất cao nguyên này.
Lễ hội đua voi Tây Nguyên là lễ hội truyền thống rất quan trọng của những người dân nơi đây. Ảnh: ST
Hội đua voi Tây Nguyên tổ chức tháng mấy
Hội đua voi ở Tây Nguyên thường được tổ chức 2 năm một lần. Đây là dịp để quy tụ, tôn vinh trí tuệ, sức mạnh, sự khéo léo của những nhà thuần dưỡng voi người dân M’Nông. Lễ hội thường được tổ chức tại Buôn Đôn, Đắc Lắk – nơi được mệnh danh là thủ phủ của loài voi. Tháng 3 cũng là thời điểm các vụ mùa ở Tây Nguyên đã được thu hoạch xong, người dân có nhiều thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho vụ mùa mới sắp tới nên tổ chức lễ hội vào dịp này được coi như hình thức ăn mừng, cầu bình an để đem đến những may mắn, mùa màng bội thu trong năm mới. Đây cũng là thời gian rất thích hợp để đi du lịch tại khu vực Tây Nguyên vì thời tiết mát mẻ, không có mưa, nắng không quá gắt rất thuận tiện cho việc di chuyển đi lại, nhất là cho khách du lịch.
Tây Nguyên tháng 3 có khí hậu mát mẻ, đường xá đi lại thuận lợi rất thích hợp để đi du lịch.
Ảnh: ST
Nét đặc sắc của lễ hội đua voi
Những chú voi được tham gia thi đấu lễ hội đua voi là những chú voi khỏe mạnh, dẻo dai và thông minh. Mỗi mùa lễ hội chỉ có khoảng 20-30 chú voi được tham gia thi đấu, vì vậy công tác chăm sóc, chuẩn bị của những người huấn luyện cần cẩn thận và mất nhiều thời gian để người bạn của mình đủ tiêu chuẩn vào vòng trong. Gần ngày thi đấu, voi sẽ được nghỉ ngơi, tắm rửa, cho ăn những loại cỏ xanh tươi hoặc mía ngọt, huấn luyện một số bài thuần dưỡng để tham gia các hoạt động trong lễ hội. Các hoạt động trong lễ hội đua voi ở Buôn Đôn bao gồm: lễ cúng Nước, lễ cúng sức khỏe cho Voi, lễ ăn trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn, thi Voi đá bóng, thi Voi chạy, thi Voi bơi, lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa), lễ tắm Voi sau khi kết thúc các hoạt động của Voi tại lễ hội.
Vào ngày thi đấu, voi sẽ được già làng thực hiện lễ cúng sức khỏe cho voi với lễ vật bao gồm; ba chém rượu cần, một con heo và một bầu nước. Già làng sẽ đặt cơm thịt lên đầu, tưới rượu và máu để cầu phúc, cúng sức khỏe cho voi. Sau khi già làng thực hiện xong nghi lễ, tất cả mọi người trong lễ hội sẽ cùng nhau ca hát, nhảy múa trong tiếng nhạc cồng chiêng rộn ràng, sôi động say đắm lòng người để chính thức bắt đầu lễ hội đua voi.
Những con voi được thực hiện lễ cúng sức khỏe trước khi thi đấu. Ảnh: ST
Địa điểm được chọn làm nơi tổ chức ngày hội đua voi ở Tây Nguyên phải là một bãi đất trống có chiều dài từ 400 – 500m, chiều rộng khoảng vào chục mét để cho ít nhất 5-10 con voi có thể xếp hàng ngang. Trên lưng mỗi chú voi có 2 chàng quản tượng, mặc đồ truyền thống của dân tộc, có nhiệm vụ điều khiển voi tham gia các hoạt động của lễ hội. Quản tượng sẽ làm theo lệnh của nài voi, điều khiển các chú voi xếp nối nhau thành hàng và quỳ phục trước vạch xuất phát như một động tác chào ban giám khảo và khán giả để chuẩn bị thi đấu. Sau hiệu lệnh và một hồi tù và ngân lên, người điều khiển thúc voi tiến lên phía trước đồng thời tăng tốc thật nhanh để về đích sớm. Tiếng voi chạy rầm rập hòa cùng tiếng hò reo cổ vũ của khán giả tạo nên một không khí hân hoan náo nhiệt cả một vùng trời.
Những chú voi đang tăng tốc quyết liệt để giành chức vô địch. Ảnh: ST
Không chỉ thể hiện sức bền trên đường thẳng, những chú voi còn phải thể hiện linh hoạt khi đi trên những con đường dốc ngoằn ngoèo hoặc bơi qua những dòng sông lớn. Người điều khiển voi phải thể hiện được sự huấn luyện thuần thục và tài năng của mình khi hướng dẫn voi chạy đua về vạch đích. Người quản tượng ngồi trước có vai trò điều khiển cho voi chạy đúng hướng. Ví dụ nếu muốn voi chạy sang bên phải thì gõ vào tai phải và ngược lại. Người ngồi sau có nhiệm vụ đốc thúc voi tăng tốc bằng cách dùng chiếc búa gỗ quất vào mông voi. Nghe thì tưởng chừng đơn giản nhưng cả hai người điều khiển phải có sự phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn với nhau để có kết quả tốt nhất. Và muốn voi hiểu được ý của người quản trượng thì đó lại là một quá trình dài và khó khăn hơn. Phần thưởng cho những chú voi sau khi thi đấu là những bó mía tươi ngon lành ngọt lịm cùng những nải chuối chín vàng ươm tươi ngon. Riêng chú voi khỏe mạnh dẻo dai nhất dành được chức vô địch sẽ được trao vòng nguyệt quế cùng người quản trượng và được thưởng thêm rất nhiều món ăn ngon khoái khẩu khác dành riêng cho voi.
Bên cạnh chạy đua, những chú voi còn được tham gia các hoạt động như đá bóng, chở những khách du lịch đi tham quan buôn làng sau khi kết thúc lễ hội. Trong từng nhịp cồng chiêng sôi động, tiếng hò reo hân hoan của tất cả mọi người, những chú voi dường như cũng trở nên hào hứng và vui mừng hơn. Lễ hội độc dáo này thường thu hút hàng ngàn du khách cả trong và ngoài nước đến tham gia tại Buôn Đôn mỗi dịp diễn ra.
Voi thi đá bóng, một hình ảnh vô cùng đặc sắc chỉ có thể thấy tại lễ hội đua voi Tây Nguyên. Ảnh: ST
Các hoạt động hấp dẫn khác diễn ra tại lễ hội đua voi Tây Nguyên
Sau khi kết thúc lễ hội đua voi, du khách có thể dành thời gian tham quan Bản Đôn, thưởng thức các món ăn đặc sản Tây Nguyên thơm ngon lạ miệng nơi đây như gà nướng, cá lăng, gỏi cá, măng nướng xào vếch bò, rượu cần v…v. Tháng 3 còn là thời điểm diễn ra lễ hội đâm trâu, rất thích hợp cho những người gan dạ thích những điều độc đáo mới lạ, tuy nhiên cảnh báo trước là lễ hội này không phù hợp với những người yếu tim không thích máu. Nếu bạn thích có thể thuê các bộ đồ của người dân tộc, trực tiếp tham gia vào các hoạt động đời sống hàng ngày, cùng làm việc ăn uống để hiểu rõ hơn về lối sống và sinh hoạt của người dân nơi đây.
Cũng đừng quên tranh thủ thời gian đi khám phá các địa điểm du lịch Tây Nguyên vô cùng ấn tượng như thác Dray Nur hùng vĩ ở Buôn Mê Thuột, Vườn quốc gia Yok Đôn, khu Du lịch sinh thái Măng Đen. Chắn chắn chuyến du lịch này sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm ấn tượng và tuyệt vời khó phai.
(trích http://www.vntrip.vn/cam-nang/le-hoi-dua-voi-o-tay-nguyen-2020-95411- Thủy Monn 28/20/2022)
Câu 1: Nội dung của văn bản trên?
A. Lễ hội đua ngựa ở Tây Nguyên
B. Lễ hội đua ghe ngo ở Trà Vinh
C. Lễ hội đua bò ở Bảy Núi – An Giang
D. Nét độc đáo trong lễ hội đua voi ở Tây Nguyên
Câu 2: Lễ hội đua voi ở Tây Nguyên được tổ chức vào thời gian nào?
A. Tổ chức 2 năm 1 lần
B. Tổ chức vào tháng 3 hàng năm
C. Tổ chức vào tháng 11 hàng năm
D. Tổ chức vào tháng 5 hàng năm
Câu 3: Trong đoạn văn sau, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì?
Các hoạt động trong lễ hội đua voi ở Buôn Đôn bao gồm: lễ cúng Nước, lễ cúng sức khỏe cho Voi, lễ ăn trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn, thi Voi đá bóng, thi Voi chạy, thi Voi bơi, lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa), lễ tắm Voi sau khi kết thúc các hoạt động của Voi tại Lễ hội.
A. So sánh
B. Nhân hóa
C. Ẩn dụ
D. Liệt kê
Câu 4: Quan điểm của người viết được thể hiện trong văn bản là gì?
A. Phê phán những nét còn hạn chế trong lễ hội đua voi
B. Ca ngợi, tự hào trên cơ sở phát hiện những nét độc đáo trong lễ hội đua voi
C. Buồn bã khi lễ hội đua voi đang bị mai một
D. Không muốn duy trì lễ hội vì tốn kém
Câu 5: Nghĩa của từ “quản tượng” là gì?
A. Người trông nom và điều khiển ngựa
B. Người trông nom và điều khiển voi
C. Người trông nom và điều khiển bò
D. Người trông nom và điều khiển cừu
Câu 6: Dấu hiệu hình thức nào giúp người đọc nhận biết sapo của văn bản?
A. Chữ in nghiêng
B. Chữ in đậm
C. Kiểu chữ khác so với chữ ở phần nội dung chính
D. Chữ in nhỏ hơn so với chữ ở phần nội dung chính
Câu 7: Văn bản thông tin trên được trình bày bằng các phương tiện nào?
A. Chữ viết
B. Âm thanh
C. Hình ảnh
D. Chữ viết kết hợp với hình ảnh
Câu 8: Mục đích của văn bản thông tin trên là gì?
A. Cung cấp thông tin về những nét độc đáo cho lễ hội đua voi ở Tây Nguyên
B. Cung cấp thông tin về những điều cần phải khắc phục của lễ hội đua voi ở Tây Nguyên
C. Cung cấp thông tin về những điểm du lịch ở Tây Nguyên
D. Cung cấp thông tin về cách huấn luyện voi ở Tây Nguyên
Câu 9: Thông tin về sự kiện trong văn bản được trình bày theo trình tự nào? (1đ)
Câu 10: Ngoài lễ hội đua Voi, anh/chị còn biết đến lễ hội nào khác ở Tây Nguyên không? (1đ)
II. VIẾT (4đ)
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về vấn đề gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc
—–Hết—–
– Học sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Đáp án đề 5
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1: Nội dung của văn bản trên? A. Lễ hội đua ngựa ở Tây Nguyên B. Lễ hội đua ghe ngo ở Trà Vinh C. Lễ hội đua bò ở Bảy Núi – An Giang D. Nét độc đáo trong lễ hội đua voi ở Tây Nguyên |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản và nhan đề
Lời giải:
Nội dung của văn bản trên: Nét độc đáo trong lễ hội đua voi ở Tây Nguyên
→ Đáp án D
Câu 2: Lễ hội đua voi ở Tây Nguyên được tổ chức vào thời gian nào? A. Tổ chức 2 năm 1 lần B. Tổ chức vào tháng 3 hàng năm C. Tổ chức vào tháng 11 hàng năm D. Tổ chức vào tháng 5 hàng năm |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ đoạn 2
Lời giải:
Lễ hội đua voi ở Tây Nguyên được tổ chức vào tháng 3 hàng năm
(Đáp án A là câu trả lời về tần suất tổ chức, không phải thời gian)
→ Đáp án B
Câu 3: Trong đoạn văn sau, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Các hoạt động trong lễ hội đua voi ở Buôn Đôn bao gồm: lễ cúng Nước, lễ cúng sức khỏe cho Voi, lễ ăn trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn, thi Voi đá bóng, thi Voi chạy, thi Voi bơi, lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa), lễ tắm Voi sau khi kết thúc các hoạt động của Voi tại Lễ hội. A. So sánh B. Nhân hóa C. Ẩn dụ D. Liệt kê |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ đoạn văn và vận dụng kiến thức về biện pháp tu từ
Lời giải:
Đoạn văn sử dụng biện pháp liệt kê (dấu hiệu nhận biết: dấu phẩy) nhằm kể cho người đọc những hoạt động trong hội đua voi
→ Đáp án D
Câu 4: Quan điểm của người viết được thể hiện trong văn bản là gì? A. Phê phán những nét còn hạn chế trong lễ hội đua voi B. Ca ngợi, tự hào trên cơ sở phát hiện những nét độc đáo trong lễ hội đua voi C. Buồn bã khi lễ hội đua voi đang bị mai một D. Không muốn duy trì lễ hội vì tốn kém |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản và suy ra quan điểm của người viết
Lời giải:
Quan điểm của người viết: Ca ngợi, tự hào trên cơ sở phát hiện những nét độc đáo trong lễ hội đua voi
Tác giả trên cương vị một vị khách tham quan lần đầu tiên đang kể lại trải nghiệm của bản thân khi được tận mắt chứng kiến và tham gia những hoạt động thú vị và đặc sắc tại Tây Nguyên.
→ Đáp án B
Câu 5: Nghĩa của từ “quản tượng” là gì? A. Người trông nom và điều khiển ngựa B. Người trông nom và điều khiển voi C. Người trông nom và điều khiển bò D. Người trông nom và điều khiển cừu |
Hướng dẫn:
Phân tách từng chữ và suy ra nghĩa của từ
Lời giải:
Quản: trông coi, điều khiển
Tượng: voi
→ quản tượng: Người trông nom và điều khiển voi
→ Đáp án B
Câu 6: Dấu hiệu hình thức nào giúp người đọc nhận biết sapo của văn bản? A. Chữ in nghiêng B. Chữ in đậm C. Kiểu chữ khác so với chữ ở phần nội dung chính D. Chữ in nhỏ hơn so với chữ ở phần nội dung chính |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản và chú ý phần khác biệt
Lời giải:
Đoạn sapo của văn bản được viết bằng kiểu chữ in nghiêng
→ Đáp án A
Câu 7: Văn bản thông tin trên được trình bày bằng các phương tiện nào? A. Chữ viết B. Âm thanh C. Hình ảnh D. Chữ viết kết hợp với hình ảnh |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản và chú ý các phương tiện trình bày của tác giả
Lời giải:
Văn bản thông tin trên được trình bày bằng các phương tiện: Chữ viết kết hợp với hình ảnh
→ Đáp án D
Câu 8: Mục đích của văn bản thông tin trên là gì? A. Cung cấp thông tin về những nét độc đáo cho lễ hội đua voi ở Tây Nguyên B. Cung cấp thông tin về những điều cần phải khắc phục của lễ hội đua voi ở Tây Nguyên C. Cung cấp thông tin về những điểm du lịch ở Tây Nguyên D. Cung cấp thông tin về cách huấn luyện voi ở Tây Nguyên |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản và rút ra mục đích của văn bản trên
Lời giải:
:
Mục đích của văn bản: Cung cấp thông tin về những nét độc đáo cho lễ hội đua voi ở Tây Nguyên. Từ đó quảng cáo cho du lịch nơi đây
→ Đáp án A
Câu 9: Thông tin về sự kiện trong văn bản được trình bày theo trình tự nào? (1đ)
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản và chú ý những sự kiện chính
Lời giải:
Thông tin trong văn bản được trình bày theo trình tự lo-gic đi từ thời gian diễn ra lễ hội đua voi cho đến diễn biến và các hoạt động cụ thể trong lễ hội và mở rộng thêm phần các hoạt động khác cũng diễn ra cùng lúc trong lễ hội
Câu 10: Ngoài lễ hội đua Voi, anh/chị còn biết đến lễ hội nào khác ở Tây Nguyên không? (1đ)
Hướng dẫn:
Tìm hiểu trên internet, sách báo và dựa vào hiểu biết của bản thân
Lời giải:
Một số lễ hội khác ở Tây Nguyên:
+ Lễ hội đâm trâu
+ Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên
+ Lễ hội mừng cơm mới
+ Lễ hội cà phê Tây Nguyên
+ Lễ bỏ mả
+ Lễ tạ ơn cha mẹ
PHẦN II. VIẾT
II. VIẾT (4đ)
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về vấn đề gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc
Hướng dẫn:
Sử dụng những kiến thức đã học và kinh nghiệm của bản thân để hoàn thành yêu cầu
Lời giải:
*Yêu cầu chung: HS kết hợp được kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận xã hội. Bài viết phải có bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) đầy đủ, rõ ràng; đúng kiểu bài nghị luận; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
*Yêu cầu cụ thể:
Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc
Thân bài:
Giải thích
Bản sắc văn hóa dân tộc: những nét văn hóa từ lâu đời của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác, đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng văn hóa của đất nước. Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, sự phong phú trong lối sống, sinh hoạt tập thể của con người và tạo nên sự đa dạng màu sắc về văn hóa cho các quốc gia
→ Việc giữ gìn văn hóa là trách nhiệm của mỗi công dân nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp đã được hình thành và lưu truyền từ xa xưa đến nay.
Bàn luận: Giữ gìn văn hóa là điều tốt đẹp và cần thiết
– Nếu chúng ta biết giữ gìn văn hóa:
+ Tâm hồn mỗi người sẽ trở nên giàu có, hướng thiện, vốn sống được tăng lên, hiểu rõ hơn về nguồn cội, quê hương và những tri thức mới lạ trên thế giới.
+Một xã hội giữ gìn được văn hóa sẽ là một xã hội văn minh
– Nếu chúng ta không biết giữ gìn văn hóa:
+ Tâm hồn mỗi người sẽ trở nên khô khan, vốn kiến thức về cuộc sống sẽ bị hạn hẹp, dẫn tới những nhanahj thức lệch lạc, không đúng đắn.
+ Một xã hội không giữ gìn được văn hóa, không giữ gìn được những điều tốt đẹp cha ông để lại sẽ là một xã hội mất đi căn bản và gốc rễ, không thể phát triển lâu bền.
Nêu phản đề
Hiện nay, nhiều người, nhất là những người trẻ đang dần quên mất những giá trị văn hóa tốt đẹp. Nhiều nền văn hóa khác nhau đã và đang du nhập vào Việt Nam: văn hóa châu Âu, văn hóa Hàn Quốc,… Nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng quá nặng nề, dẫn đến những hành động quá mức, thậm chí là lệch lạc, sai trái (sính ngoại, sống quá “thoáng”, đua đòi…)
Bài học nhận thức và hành động
– Việc tiếp thu những văn hóa mới lạ là điều cần thiết, nhưng hơn tất cả là phải giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc, không được để mất đi những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại, nhất là trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều những mối đe dọa đang rình rập xung quanh chúng ta mọi lúc mọi nơi
– Đầu tiên cần phải chú ý đến việc rèn luyện ý thức của mỗi cá nhân. Mỗi người dân, từ người già đến trẻ nhỏ, đều cần ý thức được vai trò to lớn của bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó, biết bảo vệ giữ gìn và phát huy để chúng không bị mai một đi theo thời gian
– Cần phải có sự vào cuộc của chính quyền, nhà nước từ trung ương đến địa phương. Nhà nước cần đầu tư trùng tu lại những sản phẩm văn hóa thuộc về vật chất cũng như bảo vệ những sản phẩm văn hóa thuộc về tinh thần
– Việc giữ gìn bản sắc văn hóa cũng đến từ những hành động vô cùng nhỏ bé: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, mặc áo dài trong những ngày lễ lớn của đất nước…
Kết bài:
Khái quát lại vấn đề nghị luận đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân