Hướng dẫn giải 3. Những khía cạnh cần khai thác từ tác phẩm văn học trong việc sân khấu hoá tác phẩm văn học Câu 1 Phần I. Thế nào là sân khấu hóa tác phẩm văn học – Chuyên đề học tập Văn 10 Cánh diều. Hướng dẫn: Đọc lại những đặc điểm riêng của tác phẩm văn học cho phép tiến hành hoạt động sân khấu.
Câu hỏi/Đề bài:
Những đặc điểm nào của tác phẩm văn học cho phép tiến hành hoạt động sân khấu hóa thuận lợi? Dựa vào mục 3 nêu trên, hãy dẫn ra và phân tích một đặc điểm mà em thấy rõ nhất.
Hướng dẫn:
– Đọc lại những đặc điểm riêng của tác phẩm văn học cho phép tiến hành hoạt động sân khấu hóa thuận lợi ở ý 3 phần I trang 35
– Đọc lại mục 3 , nêu dẫn chứng và phân tích
Lời giải:
-Đặc điểm của tác phẩm văn học cho phép tiến hành hoạt động sân khấu hóa thuận lợi:
+ Tác phẩm văn học là một bức tranh sinh động về cuộc sống, con người. Trong các tác phẩm tự sự có câu chuyện, sự kiện và những mâu thuẫn, xung đột,… rất giàu kịch tính. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc sân khấu hóa các tác phẩm này.
+ Câu chuyện trong tác phẩm văn học thường xảy ra trong một bối cảnh, không gian và thời gian cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ dẫn bối cảnh trên sân khấu.
+ Nhân vật trong tác phẩm văn học, nhất là với các tác phẩm tự sự và kịch, được xây dựng sống động với ngoại hình, nội tâm, những suy nghĩ, tình cảm, ngôn ngữ (lời thoại) và hành động,… Cùng với cốt truyện, nhân vật là một trong hai yếu tố chính để xây dựng kịch bản văn học.
+ Bên cạnh lời của các nhân vật (đối thoại, độc thoại), trong tác phẩm văn học còn có lời người kể chuyện. Tức là thông qua các ngôi kể giúp người đọc hình dung ra được bối cảnh, tiến trình câu chuyện.
+ Ngôn ngữ thơ rất gợi cảm, hàm súc, giàu tính nhạc và hình ảnh độc đáo,… Đây cũng chính là các chất liệu để có thể biểu diễn thơ trên sân khấu với các hình thức đọc thơ, ngâm thơ trên nền nhạc; ngâm thơ, đọc thơ kết hợp với hình ảnh minh họa tạo nên sự cộng hưởng giữa ngôn từ và các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.
– Đặc điểm em thấy rõ nhất: Bên cạnh lời của các nhân vật (đối thoại, độc thoại), trong tác phẩm văn học còn có lời người kể chuyện. Tức là thông qua các ngôi kể giúp người đọc hình dung ra được bối cảnh, tiến trình câu chuyện.
– Phân tích: Ví dụ, đây là lời người kể chuyện trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh: “Từ ngày ra bến sông Châu, dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngồi ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi nấu cơm. Vắng Mai, chỉ còn ông và dì, hai bố con chòi chọi, ăn được bữa cơm đến khốn khổ. Ông thương dì, cố nhai, cố nuốt, mắt ngân ngấn nước. Dì cũng não lòng, có hôm bỏ bữa. Ban ngày đi lại còn khuây khỏa. Ban đêm nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc bên trạm xá xã vọng sang, dì Mây lại giật mình thon thót.” (Người ở bến sông Châu). Lời của người kể chuyện trong tác phẩm văn học thường giúp cho biên kịch, đạo diễn hình dung và đưa ra các chỉ dẫn về bối cảnh, trang phục, đạo cụ, lời thoại và hành động của nhân vật,… trên sân khấu.