Hướng dẫn giải Giải bài luyện tập 1 trang 35 SGK Địa lí 10 – Bài 8. Khí áp – gió và mưa. Gợi ý: Dựa vào kiến thức đã học về sự hình thành các đai khí áp trên Trái Đất.
Câu hỏi/Đề bài:
Trình bày nguyên nhân hình thành các đai khí áp cận nhiệt đới và ôn đới trên Trái Đất.
Hướng dẫn:
Dựa vào kiến thức đã học về sự hình thành các đai khí áp trên Trái Đất.
Lời giải:
Nguyên nhân hình thành:
– Đai khí áp cận nhiệt: do không khí bị đốt nóng nở ra thăng lên cao sau khi hình thành đai áp thấp xích đạo vẫn tiếp tục thăng lên cao, đến tầng bình lưu, không khí chuyển động theo luồng ngang về phía 2 cực, nhiệt độ hạ thấp và bị lệch hướng (do lực Cô-ri-ô-lít) => giáng xuống vùng cận chí tuyến tạo nên đai áp cao cận nhiệt đới.
– Đai khí áp ôn đới: do không khí chuyển động từ áp cao cực và từ chí tuyến về ôn đới gặp nhau thăng lên cao tạo nên đai áp thấp ôn đới.
Dựa vào sơ đồ sau, hãy lựa chọn và phân tích một trong các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa trên Trái Đất.
Hướng dẫn:
Dựa vào sơ đồ và kiến thức đã học về các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa, chọn 1 trong 5 nhân tố và phân tích.
Lời giải:
Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa trên Trái Đất (Em lựa chọn 1 trong 5 nhân tố sau để ghi vào vở, không cần ghi tất cả):
Khí áp:
+ Các khu áp thấp: không khí bị hút vào giữa và đẩy lên cao ngưng tụ tạo thành mây, gây mưa.
Ví dụ: Ở xích đạo và ôn đới là những nơi có áp thấp nên mưa nhiều.
+ Các khu áp cao: chỉ có gió thổi đi, không có gió thổi đến nên mưa rất ít hoặc không có mưa.
Ví dụ: Ở cực và chí tuyến đều là những nơi có áp cao nên mưa ít.
Gió:
+ Những nơi có gió biển thổi vào hoặc có hoạt động của gió mùa thường có mưa lớn.
+ Những nơi chịu ảnh hưởng của Tín phong thường mưa ít.
Frông:
+ Dọc các frông nóng/lạnh, không khí nóng bị đẩy lên cao tạo thành mây và gây mưa (mưa frông).
+ Các khối khí nóng ẩm trong vùng nội chí tuyến tiếp xúc với nhau tạo thành dải hội tụ nhiệt đới => mưa lớn (mưa dải hội tụ).
Dòng biển:
+ Nơi có dòng biển nóng chảy qua có mưa nhiều (vì phía trên dòng biển nóng không khí thường chứa nhiều hơi nước).
+ Nơi có dòng biển lạnh chảy qua có mưa ít (vì phía trên dòng biển lạnh, không khí lạnh nên hơi nước không bốc lên được).
Địa hình:
+ Vùng nhiệt đới và ôn đới: càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, mưa càng nhiều; đến 1 độ cao nhất định sẽ ít mưa do độ ẩm không khí giảm.
+ Cùng 1 dãy núi nhưng lượng mưa khác nhau giữa sườn đón gió ẩm và sườn khuất gió.